Nếu như năm 2014, các chủ đầu tư bất động sản tại Hà Nội hết sức dè dặt trong việc đưa các sản phẩm biệt thự, nhà liền kề ra thị trường, thì năm 2015 tình hình đã khác. Đã có tổng cộng 1.246 căn biệt thự, nhà liền kề mở bán mới (gấp đôi so với cùng kỳ năm trước) từ 9 dự án là: Starlake, Gamuda, Ngoại giao đoàn, Park City, Gold Silk, Mon City, Green Pearl, Pandora và Aquabay Ecopark. Thậm chí, tại phân khu Aqua Bay (Khu đô thị Ecopark, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), lần đầu tiên khái niệm “tiền chênh” xuất hiện trở lại, khi dự án được mở bán.
|
Biệt thự, liền kề tại Khu đô thị Lideco (Khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32, huyện Hoài Đức). |
Bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu CBRE Việt Nam cho biết, năm 2015, các dự án được mở bán mới như: Evelyne Garden (Park City giai đoạn 2, quận Hà Đông), Starlake (quận Tây Hồ), Khu Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm) và Gamuda giai đoạn 2 (quận Hoàng Mai) đã ghi dấu ấn khá mạnh mẽ. Đây đều là các dự án nằm trong khu vực nội đô Hà Nội, tại các khu vực dân cư phát triển nhanh, do có cơ sở hạ tầng được cải thiện. Thêm vào đó, các sản phẩm nhà ở đang trở nên đa dạng hơn, với việc tập trung vào sản phẩm nhà phố. Nếu được quản lý phù hợp, các sản phẩm nhà ở giá trị cao này có thể mang lại cơ hội đầu tư tiềm năng cho khách hàng bên cạnh giá trị để ở.
Cũng theo bà An, để cạnh tranh với các dự án mới, chủ đầu tư các dự án lâu năm như Đặng Xá, Gamuda và Xuân Phương đã đầu tư nâng cấp các dịch vụ tiện ích bên trong các khu đô thị, nhằm bán được phần hàng tồn kho. Kết quả là, một vài dự án đã đạt được tỷ lệ bán hàng khá ấn tượng. Điều này đã cho thấy rõ ràng hơn triển vọng tích cực của thị trường biệt thự, liền kề.
Cụ thể, giá thứ cấp trung bình toàn thị trường (tính theo USD) quý IV/2015 đạt mức tăng 1,4% so với quý III/2015. So với cùng kỳ năm trước, các huyện Hoài Đức, quận Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Xuân và Mê Linh đã chứng kiến mức giảm giá thứ cấp, trong khi các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Tây Hồ, Thanh Trì và Từ Liêm lại được ghi nhận các mức tăng khác nhau, từ 7% đến 10%.
Còn theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam, trong quý IV/2015, giá thứ cấp phân khúc biệt thự giảm 1,4% và giảm 2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, các sản phẩm nhà liền kề lại tăng 0,3% theo quý và 2,5% theo năm. Quận Thanh Xuân có giá biệt thự sơ cấp cao nhất là 184 triệu đồng/m2, quận Cầu Giấy đứng thứ 2 với mức 139 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, triển vọng của phân khúc này là khó dự đoán, bởi tính đến cuối năm 2015, tổng nguồn cung phân khúc biệt thự/liền kề tại Hà Nội đạt 31.125 căn từ 121 dự án.
Thực tế, phân khúc biệt thự, liền kề hiện vẫn chiếm phần lớn các sản phẩm bất động sản tồn kho của chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp. Chỉ cần dạo qua các dự án như: Khu đô thị Quang Minh (huyện Mê Linh), Ngôi nhà mới (huyện Quốc Oai), các khu đô thị Vân Canh, Lideco, Kim Chung - Di Trạch, Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức), An Hưng, Văn Phú (quận Hà Đông), Khu biệt thự - liền kề Tổng cục 5 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) có thể dễ dàng nhận thấy lượng biệt thự, liền kề “tồn kho” lớn hơn nhiều so với thống kê của đơn vị môi giới.
Trong số này, có không ít biệt thự, liền kề được nhà đầu tư thứ cấp “cắt lỗ” với mức giá thấp hơn rất nhiều so với phía chủ đầu tư đưa ra. Một dạng khác mà người mua cũng có thể tìm thấy tại nhiều dự án là các sản phẩm biệt thự, liền kề là tài sản thế chấp do các ngân hàng rao bán với mức chào quý sau thấp hơn quý trước. Trong tình thế mà các sản phẩm “tồn kho”, “cắt lỗ” vẫn chiếm áp đảo như hiện tại, việc triển khai kinh doanh các sản phẩm biệt thự, liền kề sẽ vẫn là thách thức cho các chủ đầu tư trong năm 2016.