|
Toàn cảnh hội nghị. |
Hiệu quả kinh tế chưa cao
Chia sẻ tại hội nghị, bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho hay năm 2023, kinh tế của Hải Dương đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 9%; đứng thứ 13 cả nước và thứ 6/11 vùng Đồng bằng sông Hồng. Riêng quý 1/2024, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương ước đạt 9,8%, đứng thứ 6 cả nước và đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hầu hết nông sản của tỉnh đã được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; hình thành mô hình chuỗi liên kết; nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, hoạt động liên kết vùng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tại một số địa phương, trong đó có Hải Dương vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Theo bà Vũ Thị Kim Phượng, nhiều hợp tác xã chưa mạnh dạn tham gia tiêu thụ nông sản; chưa phát huy được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế. Hơn nữa, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, việc tiêu thụ còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Tương tự, ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho hay, trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng như lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn, đặc biệt thời gian tới, tỉnh cũng cấp phép cho nhiều dự án có qui mô lớn đầu tư hoạt động, do vậy nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Do đó, Bắc Ninh kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, giúp địa phương đảm bảo cung ứng điện, phát triển điện mặt trời giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất-kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng còn gặp phải một số khó khăn, nhất là hạn chế về cơ cấu tổ chức và nguồn lực thực hiện. Cụ thể, 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng hiện có 3 mô hình trung tâm xúc tiến thương mại, thuộc các đơn vị quản lý khác nhau dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước và triển khai có hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, một số địa phương gặp khó trong việc bố trí địa điểm, dịch vụ thuận lợi để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại lớn, thường xuyên.
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, ngay tại 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến nay vẫn thiếu các trung tâm hội chợ triển lãm, hội nghị đảm bảo diện tích và đầy đủ công năng phù hợp để tổ chức sự kiện mang tính chất khu vực, quốc tế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, quảng bá văn hóa, du lịch quốc gia.
Cần nhiều đột phá
Mặc dù vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu chung của cả nước và vị trí thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và logistics lớn nhưng để phát huy hết lợi thế của toàn vùng vẫn cần nhiều chính sách đột phá. Nội dung này được các đại biểu bàn thảo nhiều tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc – thị trường rộng lớn nhất thế giới.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc hội nghị. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, vùng Đồng bằng sông Hồng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long).
Bên cạnh đó, quy mô kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm gần 30,1% tổng ngân sách quốc nội (GDP) cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ 30,2%). Ngoài ra, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ 166 triệu USD). Quý I/2024, GRDP bình quân của vùng đạt 6,3% (bình quân cả nước 5,66%).
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn.
Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 126,94 tỷ USD, giảm trên 2,98 tỷ USD so năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD, giảm gần 9,26 tỷ USD so năm 2022. Đặc biệt, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…
Cùng đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất nước ước đạt 17,382 tỷ USD; trong đó, 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế GRDP của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế của toàn vùng.
Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Ngoài ra, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại của vùng chiếm tỉ lệ thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể có kết quả nhưng còn chậm; chuyển dịch cơ cấu nội ngành (xét đến ngành cấp III và ngành sản phẩm cụ thể) chưa mạnh và rõ nét.
Mặt khác, chưa hình thành được những chuỗi giá trị (chưa tạo lập được các chuỗi sản xuất) và cụm liên kết ngành (các cluster); chưa tạo đột phá về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do. Hơn nữa, vùng cũng chưa hình thành các cụm liên kết ngành, vùng sản xuất nông sản tập trung.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, Hà Nội phát huy vai trò trung tâm, kết nối sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu, lan tỏa và hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, tập trung liên kết phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu năm 2025, có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này tại Hà Nội.
Đáng lưu ý, thành phố đẩy mạnh liên kết cung ứng, xuất khẩu, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu cao về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; đã phát triển trong vùng như sản xuất ô tô, xe máy (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Giang); sản phẩm cơ khí chế tạo (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Thái Nguyên); điện tử văn phòng, gia dụng (Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc)… Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội; trong đó, 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Kiều Oanh nhấn mạnh, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp tham gia chuỗi liên kết phát triển hành lang công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Dương - Quảng Ninh, Hà Nội - Vĩnh Yên - Việt Trì, Hà Nội - Lạng Sơn, vành đai kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình và trục Quốc lộ 10.
Mặt khác, Hà Nội sẽ hình thành các khu công nghiệp - đô thị, tăng cường cụm liên kết ngành và khu công nghiệp chuyên biệt. Đặc biệt, thành phố tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu theo kế hoạch của thành phố, chương trình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu…
Để tạo ra bước chuyển biến mới mang tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, cần có giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Do vậy, vùng Đồng bằng sông Hồng phải phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả chương trình hành động mang tính đột phá.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.