Mời gọi đầu tư nhiều dự án quan trọng
Chiều 4/4, UBND TP HCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TP HCM có nhiều lợi thế như: vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật phát triển, nguồn nhân lực đa dạng và chất lượng cao, cơ sở khoa học kỹ thuật vững mạnh, là trung tâm liên kết với khu vực Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, TP HCM lại ít diện tích đất hơn các tỉnh vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum). Do đó, khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào TP HCM để đầu tư nhưng không đáp ứng được yêu cầu của họ về diện tích thì họ bỏ đi, như vậy lãnh phí. Vì vậy TP HCM giới thiệu các nhà đầu tư này lên các các tỉnh vùng Tây Nguyên vừa góp phần phát triển cho tỉnh bạn, đồng thời có lợi cho TP HCM về vùng nguyên liệu.
|
Bà Lý Kim Chi đề nghị xây dựng CSDL dùng chung để quản lý vùng trồng, chăn nuôi. |
Tại hội nghị, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên đã chia sẻ những điểm mới về chính sách thu hút đầu tư tỉnh nhà. Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk có diện tích đất nông nghiệp lớn thứ 2 cả nước, có hệ thống đường bộ kết nối với 3 nước Việt - Lào - Campuchia.
Do đó, khi đến đầu tư tại Đắk Lắk, nhà đầu tư sẽ hưởng nhiều ưu đãi: được miễn tiền thuê đất từ 7-15 năm (theo địa bàn và danh mục đầu tư); miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm tiền thuê đất đối với các ngành nghề: sản xuất, bảo quản, du lịch văn hóa, logistic… trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. Chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng khi đến làm việc tại tỉnh, được miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm từ tiền lương.
Về phía tỉnh Lâm Đồng cũng được ông Bùi Văn Sâm - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đại diện tỉnh thông tin về những dự án địa phương này mời gọi. Cụ thể, 3 dự án lớn: dự án Khu du lịch Đankia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương); dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phú Bình (huyện Đức Trọng); đầu tư xây dựng 2 dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo hình thức đối tác công tư PPP.
Dự kiến ngày 27/4, tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh. UBND tỉnh Lâm Đồng kêu gọi đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông như: tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP); đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E; thu hút đầu tư khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, cải tạo nâng cấp ga Đà Lạt.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng, chăn nuôi
Tại hội nghị, bà Lý Kim Chi - Phó Chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM khẳng định, việc liên kết giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên khi bền vững sẽ giúp doanh nghiệp chế biến chủ động công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; hình thành vùng trồng mẫu lớn gắn với việc xây dựng mã vùng trồng, gắn với sơ chế, chế biến, bảo quản công suất lớn…
“Tuy nhiên, tôi đánh giá việc liên kết, hợp tác trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm (LTTP) chưa phát huy hết tiềm năng vốn có của các địa phương. Nguyên nhân vì tư duy người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, tỉ lệ tổn thất nông sản sau thu hoạch còn cao, dù các tỉnh Tây Nguyên có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. Để thúc đẩy kết nối nhằm phát triển, rất mong các tỉnh cung cấp thông tin đầy đủ về lĩnh vực thế mạnh, địa chỉ và dự án vùng trồng, sơ chế, chế biến. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường. Song song đó là phát triển chuỗi kho lạnh, kho bảo quản…”, bà Kim Chi nói.
|
Chị Trần Thị Thùy Trang khẳng định khi thực hiện các giải pháp xanh trong nhà máy sẽ nâng giá trị nông sản của người dân.
|
Tương tự, ông Đặng Đình Long- Giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại Mega A cho rằng cần hình thành mã vùng trồng đóng gói và có CSDL tập trung, vì Tây Nguyên có vùng nông sản rất lớn nên cần quản lý bằng mã. Cần cấp ID gắn chip lên vùng trồng, cơ sở chế biến nào đã đạt ISO thì cần cấp mã số để truy nguồn gốc sản xuất, an toàn thực phẩm, và vượt qua hàng rào xuất khẩu ra thị trường khó tính.
“Chúng tôi cũng mong muốn các tỉnh Tây Nguyên chú ý đến chính sách, khi trả lời cho doanh nghiệp cần trả lời được hay không, trả lời đúng thời hạn và không trả lời chung chung để doanh nghiệp chủ động”, ông Long kiến nghị.
“Sản xuất xanh” ngày càng được chú trọng
Hội nghị cũng nghe nhiều góp ý của các chuyên gia về năng lượng xanh, sản xuất xanh, thị trường tín chỉ carbon. Ông Nguyễn Ngọc Tùng- Giám đốc Quỹ Công ty VinaCarbon khẳng định, tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon tại Tây Nguyên rất lớn. Việt Nam cam kết đến năm 2050, đạt giảm thải bằng 0. Đến năm 2028, Việt Nam sẽ có thị trường mua bán tín chỉ carbon, do đó, mong lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư như đẩy nhanh thủ tục hành chính, cấp giấy phép…
“Việc quan tâm đến tín chỉ carbon sẽ tạo ra kinh tế, đem lại lợi ích cho chính người dân và môi trường. Chúng tôi quan tâm đến sản xuất than sinh học từ các phụ phẩm nông nghiệp, nên sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên về chuyển đổi xanh, tài chính, nhân sự và sẽ làm cầu nối với các doanh nghiệp mua tín chỉ carbon”, ông Tùng nói.
Chị Trần Thị Thùy Trang- Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leong Lee chia sẻ: Doanh nghiệp của tôi tham gia nhiều dự án về năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo. Cùng với đó, tham gia vận chuyển, lắp đặt 8 dự án điện gió tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
"Chúng tôi mong muốn tham gia các dự án tái tạo năng lượng tại Tây Nguyên trong thời gian tới nhằm góp phần nâng cao giá trị nông sản của người dân cao hơn, và đạt chuẩn để xuất sang các thị trường khó tính. Hiện chúng tôi đã cung cấp các giải pháp xanh: điện mặt trời, xe tải điện, xe nâng điện, thiết bị điện phục vụ vận chuyển hoặc sản xuất trong nhà máy, và đã sản xuất viên nén (chế phẩm từ các nhà máy chế biến gỗ)”- chị Thùy Trang cho biết.
|
Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP cần phối hợp các sở, ngành để nghiên cứu lập các vùng nguyên liệu ở các tỉnh Tây Nguyên |
Kết luận hội nghị, ông Võ Văn Hoan- Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã rất đồng ý với tất cả ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp. Ông Hoan đề nghị Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM cần phối hợp các sở, ngành để nghiên cứu lập các vùng nguyên liệu ở các tỉnh Tây Nguyên vì việc này không những phát triển tỉnh bạn mà còn có lợi cho TP HCM.
558 dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực
Hội nghị cũng công bố 558 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistics, y tế… Một số dự án trọng điểm, như: cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng), nhà máy xử lý chất thải rắn (Đắk Lắk), dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao (Gia Lai) và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tắm bùn, suối khoáng, thác Đắk Lung (Kon Tum).