Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 2,03 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức cao kỷ lục so với cùng kỳ các năm từ trước tới nay.
Với kết quả trên, rau quả là mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiếm hoi có mức tăng trưởng kỷ lục trong bối cảnh xuất nhập khẩu cả nước đang đối mặt nhiều thách thức khi cả xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng âm.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị phần với kim ngạch đạt 1,28 tỷ USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 63,5% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng là có thành tích ấn tượng nhất trong các mặt hàng rau quả khi mang về 332 triệu USD chỉ trong tháng 5, gấp hơn 10 lần so với tháng trước.
Tính chung lũy kế 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt tới 503,4 triệu USD, tăng 475,8 trệu USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Thực tế, từ đầu năm 2023 khi Trung Quốc khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh bình thường ở biên giới phía Bắc, hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta đã có nhiều khởi sắc, nhất là các địa bàn trọng điểm như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh... mỗi ngày có hàng trăm xe hàng nông sản xuất khẩu được thông quan.
Cục Bảo vệ Thực vật cho biết từ năm 2019 tới nay, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 10.000-15.000 tấn. Từ năm 2022 là năm đầu tiên mở cửa thị trường Trung Quốc, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt trên 46.000 tấn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết sầu riêng Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, thời gian vận chuyển đến Trung Quốc cũng nhanh hơn so với Thái Lan, chỉ khoảng hơn 1 ngày.
Để cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc, ông cho rằng sầu riêng Việt Nam phải tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như xây dựng thương hiệu. "Với nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có thể đạt con số 1 tỷ USD trong năm nay và lọt vào nhóm hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD", ông Nguyên dự báo.
Cuối tháng 5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đạt yêu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này. Đây là những điều kiện để có thể tin tưởng xuất khẩu sầu riêng vẫn còn nhiều cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu.