Công ty CP Gemadept (mã: GMD) vừa công bố thông tin nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 999.800 cổ phần của công ty đang nắm giữ tại Công ty CP Cảng Nam Hải (NHP Corp), tương đương 99,98% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Theo giới thiệu của Gemadept, Công ty CP Cảng Nam Hải được thành lập vào ngày 8/6/2007, hiện có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Công ty có trụ sở chính tại số 201 đường Ngô Quyền, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Hiện Công ty CP Cảng Nam Hải đang vận hành, quản lý cảng Nam Hải và Nam Hải ICD. Trong đó, cảng Nam Hải đi vào hoạt động từ năm 2009, có đầy đủ chức năng cảng, cửa khẩu quốc tế để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa nội địa. Cảng có công suất 200.000 Teus/năm. Diện tích bãi CY là 65.000m2, diện tích bãi RF 10.000m2, diện tích kho là 4.000m2 và chiều dài cầu tàu 145m.
Trong khi đó, cảng Nam Hải ICD đi vào hoạt động từ năm 2015, nằm ngay trong Khu công nghiệp MP Đình Vũ, với tổng diện tích 21ha. Trong đó, diện tích kho 20.000m2, diện tích khu vực M&R 10.000m2, diện tích khu vực cảng cạn 120.000m2.
Đây không phải lần đầu tiên Gemadept thực hiện thoái vốn tại các cảng đang hoạt động trong năm nay. Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, Gemadept cũng đã thoái toàn bộ 84,66% vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ cho nhóm nhà đầu tư bao gồm: Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship), Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy và Công ty Thương mại Kim khí Xuất Nhập khẩu Huy Hoàng. Số tiền thu về được là hơn 1.800 tỷ đồng.
Như vậy, nếu hoàn thành việc thoái vốn khỏi Công ty CP Cảng Nam Hải, Gemadept sẽ chỉ còn khai thác một cảng duy nhất tại miền Bắc là cảng Nam Đình Vũ.
|
Muốn bán thêm cảng tại Hải Phòng, nguồn vốn của Gemadept thế nào? (ảnh minh họa: Cảng Nam Hải, TP Hải Phòng; nguồn: Internet). |
Giảm chi phí, vượt kế hoạch lợi nhuận
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Công ty CP Gemadept ghi nhận 998 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng lần lượt 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, các chi phí như tài chính và bán hàng đều được tiết giảm, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng. Khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm 52% xuống 52 tỷ đồng.
Kết quả, sau khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp ghi nhận đạt 338 tỷ đồng, tăng 18% so với mức thực hiện quý III năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 254 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu Gemadept đạt 2.812 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.310 tỷ đồng, lãi ròng đạt 2.107 tỷ đồng, tăng lần lượt 145% và 161% so với 9 tháng đầu năm 2022. Xét về cơ cấu doanh thu, hoạt động khai thác cảng mang về cho Gemadept 2.118 tỷ đồng, chiếm 75%. Doanh thu từ hoạt động logistics, cho thuê văn phòng khoảng 694 tỷ đồng.
Theo Gemadep, kết quả kinh doanh tích cực đến từ hoạt động khai thác cảng, logistics trong 9 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận khoản tiền từ việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ và lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết.
Trong năm 2023, Gemadept đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng. Với kết quả trên, Gemadept đã thực hiện được 72% doanh thu và vượt 154% chỉ tiêu lợi nhuận sau 3 quý.
Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Gemadept đạt 13.245 tỷ đồng, tăng 214 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền, tiền gửi ngân hàng khoảng 1.536 tỷ đồng. Sau tài sản cố định, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong cơ cấu tài sản (23%) của Gemadept là khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết với 3.017 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cuối quý III/2023, Gemadept đã trích lập dự phòng chứng khoán 32 tỷ đồng, trong khi giá gốc gần 46 tỷ đồng. Cụ thể, Gemadept đầu tư 31 tỷ đồng mua cổ phiếu TDS của Công ty CP Thép Thủ Đức, trích lập dự phòng 18 tỷ đồng; đầu tư 14 tỷ đồng mua cổ phiếu MMC của Công ty CP Khoáng sản Mangan, trích lập dự phòng 14 tỷ đồng do cổ phiếu này bị hủy niêm yết.
Tính đến cuối quý III/2023, Gemadept đầu tư 2.471 tỷ đồng vào 16 công ty liên doanh liên kết, tập trung chủ yếu vào Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadep - Terminal Link (chủ đầu tư của cảng Gemalink - cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải) với 1.477 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2023, nợ phải trả của của Gemadept giảm 1.390 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 3.692 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính ở mức gần 1.900 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ vay dài hạn. Vốn góp chủ sở hữu đạt 9.552 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng gấp đôi so với đầu kỳ lên 2.786 tỷ đồng.