Báo cáo của cơ trưởng chuyến bay VN 1376 cho thấy sau khi chạy lấy đà để cất cánh khi rời mặt đất, tại độ cao 500ft ( khoảng 136m), tổ bay quan sát bằng mắt thường thấy một máy bay trực thăng bay cắt ngang phía trước.
Theo nhận định của cơ trưởng, hai máy bay chỉ bay cách nhau dưới 200ft (khoảng 60m). Các chuyên gia hàng không cho rằng để xảy ra sự cố này ngoài việc hệ thống kiểm soát không lưu dân sự và quân sự không hiệp đồng chặt chẽ thì bất cập trong việc sử dụng hai hệ thống kiểm soát viên không lưu và hệ quy chuẩn, phương thức, ngôn ngữ giao tiếp khác nhau là nguyên nhân sâu xa.
Một phi công kỳ cựu của Vietnam Airlines (VNA) từng là phi công chiến đấu, hiện bay cho VNA và làm giáo viên đào tạo bay của hãng, cho biết hiện vẫn tồn tại hai hệ thống kiểm soát viên không lưu ở các sân bay của Việt Nam: một dành cho dân sự, một dành cho quân sự. Kiểm soát viên không lưu dân sự dùng tiếng Anh để giao tiếp với các phi công và dùng chuẩn feet, mile, trong khi kiểm soát viên không lưu quân sự dùng tiếng Việt và hệ quy chuẩn mét và km.
|
Một chiếc Airbus A32. Ảnh: Airbus.com |
Theo cơ trưởng này, trong trường hợp cơ trưởng chuyến bay dân dụng là người nước ngoài mà nghe huấn lệnh, thông báo của kiểm soát viên không lưu quân sự bằng Tiếng Việt theo quy chuẩn m và km sẽ không thể hiểu hoặc kiểm soát viên không lưu dân dụng dùng tiếng Anh và quy chuẩn feet, mile thông tin cho phi công quân sự cũng không chuẩn.
Ở Pháp, Nga, Trung Quốc… và nhiều quốc gia khác vẫn có hoạt động bay dân sự và quân sự cùng chung trên một sân bay nhưng hoạt động điều phối các chuyến bay được hướng dẫn bởi một đài chỉ huy hỗn hợp. Cả hai nhóm kiểm soát viên không lưu dân sự và quân sự đều ngồi làm việc cùng một nơi và cùng sử dụng một quy chuẩn.
“Nếu buộc phải giao tiếp bằng tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế, các phi công quân sự và dân sự vẫn triển khai được và thông hiểu các thuật ngữ, thông tin mà kiểm soát viên không lưu đưa ra để tránh những sự cố có thể xảy ra do thiếu thông tin chính xác trong giao tiếp".