Vụ chữ ký "giả": Vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên lại đối đầu nảy lửa

Google News

(Kiến Thức) - Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho rằng bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã tố cáo sai sự thật về việc Tập đoàn giả mạo chữ ký, làm giả tài liệu. Trong khi đó, phía bà Thảo cũng lên tiếng phản pháo. 

Liên quan đến hành vụ án "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" xảy ra tại Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vừa có thông báo kết luận giám định số 193/CSKT (Đ4) ký ngày 18/6/2020. Theo đó, Công an tỉnh Bình Dương kết luận các tài liệu, chữ ký, trên các văn bản, biên bản họp ĐHCĐ, danh sách cổ đông tại CTCP Hòa tan Trung Nguyên đều là chữ ký của chính ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Trước thông tin này, Tập đoàn Trung Nguyên Legend phản ứng bằng thông cáo phát đi khẳng định bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã tố cáo sai sự thật về việc Tập đoàn giả mạo chữ ký, làm giả tài liệu tại CTCP Hòa tan Trung Nguyên (Bình Dương) sau khi có kết luận giám định từ cơ quan Công an.
Vu chu ky
 Thông cáo báo chí tố bà Lê Hoàng Diệp Thảo phát ra từ Tập đoàn Trung Nguyên. (Ảnh chụp màn hình).
Cụ thể, theo thông cáo của Tập đoàn Trung Nguyên, trong thời gian qua bà Lê Hoàng Diệp Thảo liên tục gửi nhiều đơn thư tố cáo, đơn tố giác tội phạm đến các cơ quan điều tra từ Trung ương đến địa phương với nội dung tố cáo Tập đoàn giả mạo chữ ký, giả mạo cắt ghép tài liệu tại CTCP Hòa tan Trung Nguyên (Bình Dương) và kiến nghị các cơ quan điều tra tiến hành điều tra hành vi làm giả chữ ký, giả mạo tài liệu.
Ngày 22/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại CTCP Hòa tan Trung Nguyên năm 2011.
Phía Trung Nguyên cho rằng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo luôn rêu rao trên các phương tiện truyền thông, vu khống nhân viên Tập đoàn Trung Nguyên giả mạo tài liệu, tố cáo sai sự thật với các Cơ quan điều tra để nhằm mục đích cố tình kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp tại TAND tỉnh Bình Dương, nhằm chiếm giữ chi nhánh CTCP Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang và nhằm hưởng lợi “càng lâu càng tốt”.
Thông cáo báo chí của Tập đoàn Trung Nguyên nêu rõ: “Có thể coi đây là âm mưu hình sự hóa mọi tranh chấp pháp lý của bà Thảo với Tập đoàn Trung Nguyên để tiếp tục phá hoại và gây nguy hiểm cho Tập đoàn".
Với các kết luận giám định từ cơ quan điều tra nêu trên, Tập đoàn Trung Nguyên một lần nữa khẳng định: Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên và cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ hoàn toàn không có bất kỳ hành vi giả mạo chữ ký, giả mạo tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cũng tại văn bản này, phía Tập đoàn Trung Nguyên cũng liệt kê ra những lần bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng "vu khống" đến Tập đoàn Trung Nguyên và cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Cụ thể: Tố cáo ông Vũ lập tôn giáo lạ; tố cáo Trung Nguyên trốn thuế; tố cáo danh sách 17 cán bộ chủ chốt cấp cao của Trung Nguyên thao túng, chiếm đoạt tài sản công ty; tố cáo ông Vũ tham gia tổ chức Việt Tân tại Mỹ.
Tập đoàn Trung Nguyên khẳng định: "Toàn bộ đơn thư tố cáo sai sự thật, vu khống, bịa đặt, dựng chuyện nêu trên của bà Thảo – đều đã có kết quả điều tra từ các Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Công an TP.HCM có thẩm quyền xác minh, làm rõ và bác bỏ hoàn toàn các nội dung tố cáo sai sự thật của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”.
Cũng theo phía Trung Nguyên, bà Thảo đang cố dựng lên thuyết âm mưu và tuyên truyền về nhóm người, nhóm lợi ích tại Trung Nguyên đang khống chế ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Để phục vụ thuyết âm mưu này, bà Thảo luôn dựng chuyện, vu cáo… nhằm mục đích chiếm đoạt toàn bộ tài sản và giành quyền quản lý, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.
Ngay lập tức, phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tiếng đáp trả bằng những lời lẽ đanh thép chẳng kém đối với kết luận giám định của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương.
Luật sư của bà Thảo cho rằng “Thông báo kết luận giám định” (do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương ký ngày 18/06/2020) gửi cho đương sự Nguyễn Duy Phước là bản thông báo giám định chữ ký trong những tài liệu không liên quan đến vụ án làm giả tài liệu đã được khởi tố tại Bình Dương.
Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã lấy các tài liệu, gồm: Biên bản và quyết định của ĐHĐCĐ ngày 7/12/2009 và các biên bản họp đại hội cổ đông vào các ngày 3/1/2012, ngày 5/4/2013 và ngày 22/11/2013.
Nhưng những tài liệu này hoàn toàn khác và không liên quan gì đến tài liệu mà Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã tiến hành giám định và kết luận là cắt ghép, giả mạo. Đó là biên bản họp ĐHĐCĐ không ngày, chỉ đề tháng 12/2011.
Do đó, phía bà Thảo cho rằng “Thông báo kết luận giám định” trên đã kết luận về việc giám định các tài liệu hoàn toàn không liên quan đến nội dung tố cáo.
Đồng thời tiếp túc yêu cầu Công an tỉnh Bình Dương nhanh chóng khởi tố bị can liên quan đến hành vi làm giả và sử dụng giấy tờ giả mạo gây thiệt hại nghiêm trọng tại CTCP Hòa tan Trung Nguyên, đồng thời khẳng định công ty này do bà sở hữu và đại diện hợp pháp.
Dù vậy, phía bà Thảo thừa nhận, cho ngày 28/7/2020, bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn chưa hề nhận được bất cứ văn bản trả lời chính thức nào từ Cơ quan cảnh sát điều tra Bình Dương liên quan đến nội dung như báo chí đưa tin ngày 28/7/2020.
Trước đó, trong quá trình TAND tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết tranh chấp giữa bà Thảo và phía TNG, ngày 27/3/2018 ông Nguyễn Duy Phước (đại diện cho TNG) có nộp cho Tòa án 2 tài liệu: (1) Biên bản họp ĐHĐCĐ của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên không đề ngày, chỉ đề tháng 12/2011; và (2) Quyết định của ĐHĐCĐ Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên không đề ngày, chỉ đề tháng 12/2011.
Sau khi được tiếp cận các tài liệu, bà Thảo nhận thấy cả 2 tài liệu này đều là giả mạo, nên ngày 28/9/2018, bà Thảo đã gởi Đơn tố cáo chứng cứ giả mạo và đề nghị trưng cầu giám định các tài liệu mà TAND Bình Dương đã thu thập từ phía ông Nguyễn Duy Phước cung cấp.
Sau đó, Tòa án tiến hành trưng cầu giám định tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và các kết quả giám định số 14/C09-P5 ngày 30/01/2019 và 92/C09-P5 ngày 24/05/2019 của Viện Khoa học hình sự thể hiện các tài liệu này không đồng nhất, thể hiện dấu hiệu cắt ghép, giả mạo.
Cụ thể, nội dung kết luận:
+ Tài liệu về Biên bản họp ĐHĐCĐ của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên giữa tài liệu của Phước nộp và Phòng ĐKKD cung cấp là không được photocopy cùng nhau, có dấu hiệu bị cắt ghép giả mạo.
+ Tài liệu về Quyết định của ĐHĐCĐ của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên giữa tài liệu của Phước nộp và Phòng ĐKKD cung cấp là được photocopy từ một nguồn gốc (trừ các chữ số ngày tháng năm).
+ Các chữ "Công ty CP Cà Phê Trung Nguyên" ở dòng chữ in thứ 10 tính từ trên xuống tại trang 2 trên mẫu cần giám định ký hiệu A bị cắt ghép.

Hoàng Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)