Cây sanh Nam Điền của đại gia Thuận "đồng nát". Ảnh: Đất Việt
Trong những năm trở lại đây, việc giao dịch cây cảnh có giá tiền tỷ không còn xa lạ trong giới chơi cây của Việt Nam. Những thương vụ bạc tỷ cũng thường xuyên diễn ra với những người chơi phong lan đột biến hay cây cảnh cổ, dáng đặc biệt,...
Trong khi lan dễ nhân giống thì cây cảnh lại khác, có khi cả trăm năm mới tạo ra được một cây có giá. Thậm chí, những cây đó vẫn còn được chỉnh sửa trong hàng chục năm tiếp theo mới hoàn thiện.
Vì vậy, nhiều người sẵn sàng bỏ hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng để sở hữu một cây cảnh hội tụ đầy đủ "cổ, kỳ, mỹ".
Mới đây, nhiều người đến tham dự Hội triển lãm bonsai Ngô Sài (huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội) không khỏi trầm trồ trước phôi cây sanh Nam Điền của ông Đặng Đình Thuận (biệt danh Thuận "đồng nát" ở Ứng Hòa, TP.Hà Nội).
Theo thông tin từ chủ phôi cây này, đây là dòng sanh Nam Điền, đã được làm rất công phu tạo ra phôi giống như quả núi, rễ cây cũng được can thiệp tạo sẹo, giống như những ngọn non bộ nhấp nhô ở phía dưới gốc cây.
Tại triển lãm, chủ nhân phát giá phôi cây này lên tới 4 tỷ đồng, có người đã đến và trả giá 2 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng giá cây 4 tỷ là giá ảo, trên thị trường không thể đến mức giá đó.
Bên cạnh đó, không ít người cho rằng, ông Thuận "đồng nát" đã can thiệp quá nhiều vào cây xanh Nam Điền đang trưng bày tại Hội triển lãm bonsai Ngô Sài.
Cây sanh đã được ông Thuận tạo sẹo.
Một trong những yếu tố đầu tiên để đánh giá giá trị của cây cảnh là "cổ" sau đó mới là "kỳ" và cuối cùng mới là "mỹ". Việc can thiệp tạo sẹo cho cây sẽ tạo ra sự cổ kính, kỳ quái hơn cho cây, chính vì thế nhiều người mới thực hiện điều này.
Cây sanh đã được ông Thuận "đồng nát" tạo sẹo khiến nhiều người trầm trồ nhưng cũng không ít người cảm thấy xót xa thương cây.
Nhận định với Đất Việt, một nghệ nhân chơi cây nổi tiếng nhất Phú Thọ cho biết: "Đa số người chơi cây đều tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên của cây. Nếu cây mà đã bị can thiệp quá nhiều thi mất đi vẻ thiên tạo mà thay vào đó là sự nhân tạo. Đối với người mới chơi thì những cây có hình thù kỳ quái, hầm hố thường dễ được ưa chuộng nhưng với nghệ nhân chơi cây lâu năm thì đây được coi là điều tối kỵ.
Dù có sửa cây nhưng các nghệ nhân này vẫn tôn trọng hình thế tự nhiên của chính cây đó", vị này cho biết.
Trước đây cha ông tôn trọng sự phát triển tự nhiên của cây nên nếu có can thiệp thì cũng chỉ là uốn, tỉa cành lá sao cho phù hợp với dáng cây đã có.
Nhưng ngày nay, người chơi cây thường can thiệp mạnh vào cây để tạo ra nhiều dáng độc lạ khác. Việc can thiệp vào cây để tạo ra những hình thù độc đáo thường chỉ diễn ra chủ yếu vào cây sanh bởi đây là loại cây dễ tính, không sợ cây chết.
Với những cây sanh có giá trị hiện nay thì thường mang dáng độc đáo, mang cái "hồn" của dân tộc, truyền thống cha ông vào cây. Còn đối với những cây mà bị can thiệp, xử lý quá nhiều thường không đạt được điều này.
Thời gian gần đây, thị trường hoa lan đột biến đẹp lạ, độc đáo trở nên sôi động và hấp dẫn, thậm chí, có những giao dịch lên tới hàng chục tỷ đồng. Các thương vụ mua bán, giao dịch lan đột biến liên tiếp được công bố trên các diễn đàn, từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng gây xôn xao dư luận.
Trao đổi với PV Đời sống& Pháp luật, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho biết, trên thực tế, không chỉ hoa lan mà nhiều tác phẩm sinh vật cảnh khác từ lâu cũng đã có những giao dịch trị giá tiền tỷ.
"Việc định giá những cây lan đột biến cao một phần do đây là hàng hóa đặc thù, có tính đơn nhất nên giá trị của nó không chỉ phụ thuộc vào độ quý hiếm, mặt hoa độc lạ mà trong nhiều trường hợp còn phụ thuộc vào xu thế giá, điều kiện, nhu cầu, khát khao sở hữu của người chơi. Những giao dịch hàng trăm triệu đến tiền tỷ là có. Nhưng những giao dịch lên đến hàng chục tỷ, thậm chí là hàng trăm tỷ là dấu hiệu bất thường cần phải xem xét lại bản chất của những giao dịch này", ông Nguyên chia sẻ.