Bong bóng lan phi điệp đã vỡ
Từng được biết đến với những cuộc giao dịch thổi lên giá tiền tỷ, tuy nhiên thời gian gần đây, lan Phi điệp đột biến đang được nhiều nhà vườn rao bán với mức giá rẻ song vẫn khó bán vì không mấy ai mặn mà.
Mở đầu cho cơn sốt lan đột biến chính là thời điểm giữa năm 2018, khi một người trồng lan ở Thừa Thiên Huế đã bán giò lan đột biến cho một dân chơi lan ở Hải Phòng với giá lên tới 700 triệu đồng.
Thời điểm đó, khi dư luận chưa kịp hết xôn xao về giò lan giá 700 triệu đồng, giới chơi lan được một phen điên đảo khi trên các diễn đàn có phát trực tiếp một cuộc giao dịch phong lan tiền tỷ.
Chủ nhân của cây lan đặc biệt có tên "Bướm đại ngàn" đã quay clip phát trực tiếp cuộc giao dịch, chuyển giao cây cho một chủ khác. Số tiền để sở hữu cây lan "Bướm đại ngàn" lên tới 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt hơn cây lan này chỉ có độ dài hơn 20cm.
Sau 2 cuộc giao dịch trên, các thương vụ mua bán lan đột biến bùng nổ với giá bạc tỷ. Một cây lan phi điệp có tên 5 cánh trắng Bảo Duy được bán thành công với giá 2,7 tỷ đồng; gốc Giã Hạc đột biến 5 cánh trắng của chủ nhân người Ninh Thuận bán thành công cho một đại gia ở Đà Nẵng với giá lên tới gần 7 tỷ đồng…
Song có lẽ chấn động nhất vẫn là thương vụ chuyển nhượng lan đột biến gene tại Bình Phước ngày 10/6 vừa qua, Anh Nguyễn Thanh Xuân bán thành công 3 chậu lan với mức giá lên đến 32 tỷ đồng.
Những cuộc giao dịch sau đó cứ thế được thổi lên tới 83 tỷ đồng, thậm chí có giao dịch được quảng cáo lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Sau một thời gian tăng giá vô tội vạ đến hài hước, lan Phi điệp đột biến đang dần trở về giá trị thực, dù có cao hơn so với giá thị trường thời điểm đầu khoảng 3 - 5 năm về trước nhưng đã giảm đi nhiều.
Nhiều năm đam mê chơi lan, anh Nguyễn Văn Hiệp (quận 8, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, trong khi lan Phi điệp đột biến ở Việt Nam và được sang tay với giá “hét ra lửa” thì tại Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc… người ta cũng đã nuôi cấy được dòng đột biến có bản hoa tương tự, trồng bạt ngàn với giá bán vô cùng rẻ.
Còn trong nước, tại nhiều nhà vườn trồng lan đang rao bán lan Phi điệp đột biến với giá rẻ bất ngờ.
"Kie 5 cánh trắng Phú Thọ trước đây được bán với giá từ 3 - 5 triệu đồng/kie dài khoảng 2cm thì giờ có nơi chỉ còn được rao bán từ 200.000 - 300.000 đồng/kie”, anh Trung, một hộ trồng lan ở Đắk Lắk nói.
Tình cảnh trên đẩy một số chủ vườn vào tình cảnh khó dở mếu dở. Một chủ vườn tại TP.HCM bỏ ra hàng chục triệu đồng mua một kie 5 cánh trắng thì nay ra giá 1,5 triệu không ai mua.
Một chủ vườn khác bỏ ra cả 6 tỷ để mua một giò lan mẹ với hi vọng có thể thu về món hời thì nay ra giá chưa đến một nửa cũng không ai hỏi tới.
Mới đây, công an nhiều tỉnh thành đã vào cuộc theo dõi, điều tra chiêu trò thổi giá lan đột biến trong thời gian qua. Không chỉ có những cuộc giao dịch tiền tỷ "ảo" như thật mà còn có cả quá trình "tạo phốt" trên mạng xã hội để khiến người dân sập bẫy.
Một đại gia "lặn" cùng gần trăm tỷ đồng
Cơ quan CSĐT CATP.HCM đã tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo của nạn nhân và phân công cán bộ tiến hành làm rõ hành vi lừa đảo của cặp vợ chồng Cảnh - Trang.
Diễn biến vụ việc được ghi lại vào khoản 3 tháng trước, rất nhiều người (chủ yếu ngụ Q.Tân Bình) như ngồi trên đống lửa trước sự "mất tích" bí ẩn của vợ chồng ông Đào Minh Cảnh (SN 1977) và bà Phan Thị Thanh Trang (SN 1979, cùng ngụ P13, Q. Tân Bình).
Theo hồ sơ tố cáo gửi Công an TPHCM, nhiều nạn nhân cho biết, do đã có sự chuẩn bị từ trước nên trước khi "lặn" biệt tăm, ông Cảnh - bà Trang đã huy động số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng.
Một trong số các nạn nhân là chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng (SN 1979, ngụ P13, Q. Tân Bình) nói bị vợ chồng Cảnh - Trang "gài" chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Chị Hồng bức xúc: "Tôi và Trang là bạn học chung. Từ mối quan hệ quen biết ấy, tôi được Cảnh mời về đứng tên pháp nhân cho công ty TNHH TM-KTXD Hưng Thịnh Phát (TNHH HTP) do Cảnh lập ra.
Với lý do chung vốn mua BĐS rồi bán lại kiếm lời. Sau vài thương vụ có lời nhưng không được Cảnh chia số tiền trên mà luôn khất lần.
Đầu năm 2019, Cảnh nói đang cần tiền để mua lại tòa nhà 406/51 Cộng Hòa (P13, Q.Tân Bình) với trị giá khoảng 40 tỷ đồng. Nếu tôi tham gia góp 1/4 trị giá tòa nhà (tương đương khoảng 10 tỷ đồng) còn lại Cảnh góp 3/4 dưới hình thức vay ngân hàng, chị Hồng góp 1/3 vốn mua lại tòa nhà trên".
Để có tiền góp vốn, chị Hồng phải vay mượn người thân, bán 2 căn nhà riêng của mình; đồng thời huy động cả người thân để gom tiền đưa cho Cảnh. Tới nay, tiền Cảnh không trả, Cảnh lánh mặt và sau đó hai vợ chồng tắt điện thoại, không liên lạc được.
Không chỉ người ngoài, nhân viên công ty cũng tố bị lừa. Theo thống kê ban đầu, số tiền Cảnh lừa đảo các nạn nhân lên đến 100 tỷ đồng.
Công ty của bầu Đức tiếp tục chìm trong thua lỗ
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II đạt 647 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, giá vốn tăng cao hơn doanh thu khiến biên lãi gộp trong quý sụt giảm, chỉ thu về 125 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm tương ứng 18%.
Số lợi nhuận gộp này cùng với hơn 267 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính không đủ bù đắp các chi phí phát sinh (lãi vay, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp) khiến công ty của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) lỗ thuần 94 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.
Sau khi hợp nhất cùng một số hoạt động kinh doanh khác, HAGL ghi nhận khoản lỗ 62 tỷ đồng trước thuế trong quý II. Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng âm gần 65 tỷ đồng.
Khoản lỗ trong quý gần nhất cũng nối dài chuỗi thua lỗ của HAGL lên quý thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, so với số lỗ trước và sau thuế cùng kỳ năm 2019, khoản lỗ quý II năm nay chỉ tương đương 1/11.