VinMart sẽ đổi tên thành WinMart: Masan kỳ vọng gì?

Google News

  Triển khai các dịch vụ tài chính và thử nghiệm nhượng quyền là mục tiêu quan trọng với hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ trong năm nay.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng ngày 1/4, Tổng giám đốc Masan Consumers Trương Công Thắng cho biết WinMart sẽ là tên mới của hệ thống VinMart, VinMart+.
Theo CEO Masan Group Danny Le, mục tiêu quan trọng với hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ năm nay là bắt đầu triển khai các dịch vụ tài chính và thử nghiệm nhượng quyền.
VinMart se doi ten thanh WinMart: Masan ky vong gi?
 VinMart sẽ đổi tên thành WinMart. Ảnh: Internet
Đối tác để triển khai các dịch vụ tài chính tại các cửa hàng VinMart, VinMart+ của Masan là Techcombank. Khi VinCommerce hợp tác độc quyền với Techcombank, ngân hàng này có thể sử dụng mạng lưới 3.000 cửa hàng bán lẻ hiện tại của Masan để mở rộng mạng lưới, đặc biệt là hướng đến khách hàng ở nông thôn thay vì tự mở mới chi nhánh, phòng giao dịch. Mục tiêu trong năm nay của tập đoàn là sẽ triển khai dịch vụ tài chính tại 1.800 cửa hàng.
Chủ tịch HĐQT Masan Nguyễn Đăng Quang nhận định 60-70% người Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn và không có các dịch vụ ngân hàng bên cạnh. Đời sống tài chính của nhóm người tiêu dùng ở nông thôn đang dựa trên tiền mặt là chính.
Vì vậy, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tin tưởng việc phát triển mạng lưới các điểm giao dịch tài chính thông qua hệ sống siêu thị mini VinMart+ có thể thay đổi thói quen, tập quán sử dụng tiền mặt của người dân nông thôn.
Mục tiêu đến năm 2025 là có 30.000 cửa hàng, phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng. Masan kỳ vọng sẽ có 20.000 điểm bán lẻ ở kênh truyền thống theo hình thức nhượng quyền và tự vận hành 10.000 cửa hàng hiện đại trong 5 năm tới.
Trong tầm nhìn đến năm 2025 nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, Masan và Techcombank có thể thu hút 2 tỷ USD tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 50 triệu khách hàng. Sau chiến lược phục vụ nhu cầu tài chính, Masan hướng đến việc kết hợp các nhà mạng viễn thông để triển khai các dịch vụ số tại hệ thống bán lẻ của mình.
Tuy nhiên, ông Trương Công Thắng nhấn mạnh Masan không muốn thay tên VinMart theo kiểu "bình cũ, rượu mới" mà chỉ thay đổi khi nội tại của chuỗi siêu thị này cũng được đổi mới. Nhiều yếu tố bên trong chuỗi bán lẻ này gồm danh mục hàng hóa, chất lượng dịch vụ, chính sách giá sẽ được hoàn tất chuyển đổi trong năm 2021, kèm theo đó là thay đổi hình thức bên ngoài.
Kết thúc năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group đạt 77.218 tỷ đồng, tăng 106,7% so với mức 37.354 tỷ đồng trong năm 2019, lợi nhuận thuần phân bổ cho đạt 1.234 tỷ đồng.
MCH đánh dấu cột mốc quan trọng: doanh thu thuần lần đầu tiên đạt mức 1 tỷ USD vào năm 2020, doanh thu thuần và EBITDA tăng trưởng lần lượt 27,2% và 22,4% so với năm 2019. Doanh thu thuần năm 2020 của MML 16.119 tỷ đồng tăng 16,8% so với năm 2019, biên EBITDA đạt mức 11.7%.
Công ty quản lý chuỗi VinMart và VinMart+ năm ngoái ghi nhận doanh thu xấp xỉ 31.000 tỷ đồng, tăng 14%. Trong đó, hệ thống cửa hàng VinMart+ tăng trưởng doanh thu 42% dù số lượng cửa hàng giảm mạnh. Bù lại, chuỗi VinMart giảm 6,7% doanh thu do các siêu thị nằm trong trung tâm thương mại giảm khi lưu lượng khách không còn như trước vì tác động của dịch bệnh.
Về kế hoạch tài chính năm 2021, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 92.000 đến 102.000 tỷ đồng (tăng trưởng từ 19% đến 32% so với năm 2020), Lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Công ty đạt từ 2.500 đến 4.000 tỷ đồng (tăng trưởng 103% đến 224% so với năm 2020). Biên EBITDA và biên NPAT được kỳ vọng lần lượt đạt mức từ 15-20% từ 3-5% nhờ vào biên EBITDA dương của VCM và cải thiện biên EBITDA của mảng kinh doanh thịt MML trong năm 2021.
Hoàng Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)