Phản ánh gửi đến Báo Tri thức và Cuộc sống, nhiều người dân ở Vĩnh Phúc cho rằng họ đang là nạn nhân của “tín dụng đen”, có dấu hiệu bị chiếm đoạt tài sản, mất đất đai, nhà cửa, xe cộ sau khi vay tiền lãi suất cao từ ông Nguyễn K.Ng.- Tổng giám đốc, kiêm người đại diện Công ty cổ phần LCan Việt Nam (địa chỉ ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội).
Là một trong những người trót vay tiền của ông Ng., ông Nguyễn Đức Nhuận (SN 1963, trú tại Trại Cúp, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnhVĩnh Phúc), cho biết cuối tháng 9/2019, do cần tiền kinh doanh nhỏ lẻ nên gia đình vay ông Ng. 1,5 tỷ đồng. Ông Ng. sau đó cắt ngay khoản lãi vay 60 triệu đồng, số tiền thực ông Nhuận nhận về chỉ có 1,440 tỷ đồng.
Để có được khoản vay, ông Nhuận phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông Ng., và ký thêm một số giấy tờ mà ông Ng. cùng bà H.- Văn phòng công chứng B.M (ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc) mang đến (toàn bộ giấy tờ đã được soạn sẵn).
“Theo thỏa thuận ban đầu giữa tôi và ông Ng. lãi suất vay khoản tiền trên là 0.9%/năm. Sau vài ngày cho vay, ông Ng. đến đòi lãi và thông báo lãi suất là 90 triệu đồng/tháng (tức là 73%/năm). Gia đình tôi phải đi vay mượn khắp nơi, gánh nhiều đầu lãi khác mới có đủ tiền. Tuy nhiên, khi tôi đến trả toàn bộ khoản vay, để lấy lại sổ đỏ thì ông Ng. lẩn trốn, gây khó khăn, không muốn cho tôi thanh toán. Những tháng sau, ông Ng. không xuất hiện nhưng vẫn cho nhiều người xăm trổ đến nhà tôi thúc giục, đòi tiền lãi…”, ông Nhuận thông tin.
Đến tháng 12/2020, gia đình ông Nhuận “sốc toàn tập” khi thấy một người lạ đến đòi mảnh đất mà sổ đỏ đang nằm trong tay ông Ng.. Người đến đòi đất cho biết đã nhận chuyển nhượng từ ông Ng.
|
Căn nhà có diện tích 100m2 tại Trại Cúp, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) của gia đình ông Nhuận đã bị ông Ng. bán cho người khác. |
Một trường hợp khác là gia đình anh Bùi Văn Dương (SN 1985, trú tại xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng “sập bẫy”. Anh Dương cho biết đầu năm 2020, vợ chồng anh vay ông Ng. 700 triệu đồng để kinh doanh, nhưng do làm ăn gặp khó khăn nên gia đình tiếp tục vay thêm 2 tỷ đồng từ ông Ng..
Anh Dương cũng bị buộc phải cầm cố sổ đỏ, cùng giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô cho ông Ng. mới có được khoản vay.
“Ngày 11/8/2020, ông Ng. yêu cầu vợ chồng tôi đến Văn phòng công chứng B. T. (nằm trên phường Trưng Trắc, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), buộc ký vào các giấy tờ ông Ng. đã soạn sẵn và khẳng định việc ký kết chỉ nhằm đảm bảo cho khoản vay”, anh Dương nhớ lại.
Theo anh Dương, sau khi ký xong các giấy tờ, ông Ng. cầm điện thoại thực hiện thao tác chuyển tiền nhưng vợ chồng anh này lại không nhận được tiền.
“Tối cùng ngày, do vẫn không nhận được tiền tôi liên tục gọi điện, liên lạc nhưng ông Ng. viện lý do gửi nhầm tên tài khoản. Ngày 12/8/2020, qua 2 lần chuyển khoản, ông Ng. có chuyển tới tài khoản của vợ tôi 500 triệu đồng. Từ đó, chúng tôi không nhận được thêm số tiền nào nữa”, anh Dương thông tin.
Giống như hộ ông Nhuận, anh Dương cho biết cũng nhiều lần liên hệ để trả tiền cho ông Ng. nhưng bị ông này cố ý trốn tránh, không nghe điện thoại, thậm chí là chuyển chỗ ở mới.
“Ông Ng. sau đó âm thầm chuyển nhượng sổ đỏ của vợ chồng tôi sang cho bên thứ ba cho ông Nguyễn Văn Ph. (SN 1982, ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), anh Dương cho hay.
|
Mảnh đất có diện tích 1319, tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc của gia đình anh Dương đã bị ông Ng. "âm thầm" chuyển nhượng cho người khác. |
|
Do không thể liên lạc được với Tổng giám đốc Công ty cổ phần L. Việt Nam để trả tiền, lấy lại giấy đăng ký xe nên chiếc ô tô của gia đình anh Dương vẫn phải nằm yên một chỗ. |
Tương tự, hai trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1983, trú tại phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và anh Tạ Văn Chuân (SN 1987, trú tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) vào đầu năm 2020, thông qua giới thiệu và tin tưởng nên cũng trót vay tiền của ông Ng. để làm ăn (mỗi người vay 100 triệu đồng).
Chị Hoa sau đó bị mất đất vì ông Ng. đã lén lút chuyển nhượng sổ đỏ cho ông Bùi Văn Q. (ở Vĩnh Phúc) với số tiền 800 triệu đồng.
Riêng anh Tạ Văn Chuân, phải gánh khoản tiền nợ cả gốc và lãi lên đến 235 triệu đồng (đã trả được 45 triệu đồng) cho khoản vay 100 triệu. Tổng số tiền anh Chuân nợ đó tăng lên 300 triệu đồng (do ông Ng. đề nghị anh Chuân ký giấy vay thêm 65 triệu đồng).
Sau khi vay tiền, chiếc xe ô tô Ford Transit của anh Chuân đã bị ông Ng. “giữ hộ”, rồi đem bán cho một doanh nghiệp ở Quảng Ninh.
Hầu hết, các nạn nhân cho rằng ông Ng. đã lợi dụng trình độ dân trí thấp, với hình thức bắt người vay ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản soạn sẵn ở Văn phòng công chứng để che giấu cho khoản vay. Sau đó dùng thủ đoạn xảo quyệt khiến người vay sập bẫy "tín dụng đen".
Nhiều người dân trong vụ việc trên cũng đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn K.Ng.- Tổng giám đốc, kiêm người đại diện Công ty cổ phần LCan Việt Nam, gửi đến Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
|
Trụ sở Công an tỉnh Vĩnh Phúc. |
Để rộng đường dư luận và tìm hiểu các thông tin khách quan, đa chiều ngày 19/5, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã đến liên hệ và đặt lịch làm việc với Công an tỉnh Vĩnh Phúc và đang chờ phản hồi từ phía cơ quan này.
Trong các ngày 23, 24/5, PV đã lần theo địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần LCan Việt Nam ở Thạch Đà, huyện Mê Linh (Hà Nội) nhưng rất khó tìm thấy. PV sau đó nhiều lần liên hệ đến số điện thoại của ông Ng. để trao đổi các thông tin phản ánh, tuy nhiên đầu bên kia khi nghe thấy có báo chí liên hệ thì vội vàng nói "nhầm số" rồi tắt máy.
Thời gian qua, Bộ Công an vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt xử lý hình sự, bắt giam, khám xét hàng loạt các cá nhân, công ty thu hồi nợ, công ty tài chính, app vay tiền về các hành vi cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, làm nhục người khác.
Các đối tượng này đã có hành vi cho vay tiền với “lãi suất cắt cổ”, thực hiện khủng bố tinh thần, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và làm nhục người khác trong thời gian dài một cách công khai, manh động, bất chấp pháp luật gây bức xúc cho dự luận.
Sau khi cơ quan chức năng tích cực truy quét, các đối tượng cho vay nặng lãi chuyển sang núp bóng doanh nghiệp hoặc hoạt động lén lút, không có cơ sở, địa điểm cụ thể.
Trước thực trạng nhiều người dân đang có dấu hiệu sập bẫy lãi "tín dụng đen", thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc sớm vào cuộc, làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 1/6, đại diện Phòng Tham mưu Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, về nội dung trên lãnh đạo Công an tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh thông tin với PV.
Sau đó, PV đã liên hệ với đại diện Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên vị này cho biết phải trao đổi lại với Phòng Tham mưu Công an tỉnh.
Tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi 2017), người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự (20%/năm).
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.