Giám đốc cạn tiền hết sức cầm cự, phải tìm đến tín dụng đen

Google News

Đại dịch Covid đã khiến 71% DN bị giảm doanh thu trong năm 2021. Trong khi đó, năm 2020 có 65% DN đã bị giảm doanh thu.

Nhiều DN sẽ rơi vào tình trạng 'kiệt quệ' về tài chính, nếu không có những giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành khảo sát nhanh đối với các DN tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố về ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid lần thứ 4. Kết quả cho thấy, đại dịch Covid đã gây tác động tiêu cực đến hầu hết các DN Việt Nam.
Những tác động tiêu cực
Cụ thể, có tới 93,9% DN cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng dịch Covid lần thứ 4, tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020. Trong đó, có khoảng 60% DN cho biết tác động “phần lớn là tiêu cực” và 34% DN nhận định tác động “hoàn toàn tiêu cực” (gấp đôi so với mức 15% của năm 2020). Chỉ có khoảng 4% không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% cho biết đại dịch có tác động tích cực mang lại cơ hội phát triển.
Giam doc can tien het suc cam cu, phai tim den tin dung den
Đại dịch Covid đã gây tác động tiêu cực đến hầu hết các DN Việt Nam. 
Có 90,8% số DN tham gia khảo sát cho biết đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ 10 DN thì có 9 DN cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Trong đó, khoảng 92% DN quy mô lớn, 81% DN quy mô vừa, 94% DN quy mô nhở và 90% DN quy mô siêu nhỏ cho người lao động nghỉ việc.
Tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ, với trên 97% DN thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hành chính, dịch vụ, dịch vụ lưu trú và ăn uống đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh. Phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam bộ, ĐBSCLvà các tỉnh miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% DN cho người lao động thôi việc. Thấp nhất là Đồng bằng sông Hồng, nhưng cũng có 78% DN phải giảm số lao động.
Có 96% DN gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Các vấn đề này có thể là khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn khi quản lý nhân công hay đứt gãy chuỗi cung ứng,...
Trong đó, đại dịch khiến khoảng 61,8% DN khó tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế; 57,6% DN gặp khó khăn về dòng tiền; 57,2% DN gặp khó khăn trong quản lý nhân sự; 51,4% DN gặp trở ngại lớn về duy trì chuỗi cung ứng.
Đại dịch Covid kéo dài đã khiến 71% DN bị giảm doanh thu so với năm 2020. Đáng lưu ý, 93% DN trong lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội (chẳng hạn như các bệnh viện tư, các trung tâm chăm sóc, điều dưỡng) báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 bị sụt giảm so với năm 2020. Tương tự, 87,5% DN trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống dự kiến sụt giảm doanh thu. Các ngành khác cũng có doanh thu giảm mạnh, với tỷ lệ DN dự tính dao động trong khoảng từ 45,9% đến 87%.
Trong số đó, các nhóm DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ bị giảm doanh thu đáng kể nhất bởi dịch bệnh với mức 71-72%. Năm ngoái, dịch Covid đã làm 65% DN bị sụt giảm doanh thu so với năm 2019. Kết quả ước tính doanh thu năm 2021 tiếp tục giảm so với năm trước đó, dự báo tình trạng “kiệt quệ” về tài chính của rất nhiều DN trong thời gian tới nếu không có những giải pháp hỗ trợ phù hợp, VCCI nhận định.
Khó cầm cự lâu
Trước tình trạng dịch bệnh, DN cho hay chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Trong đó, DN tại Đông Nam bộ và ĐBSCL chỉ chịu đựng được lần lượt là 5 tháng và 5,3 tháng, các DN phía Bắc khoảng 8,4 tháng.
VCCI cũng lưu ý, khoảng thời gian DN có thể cầm cự thêm được tính từ thời điểm trả lời khảo sát. Khảo sát này được tiến hành từ tháng 7 đến tháng 9/2021, vì vậy thời gian thực tế DN có thể cầm cự được tính tới thời điểm công bố ngắn hơn từ 1,5-2 tháng. Như vậy, tính trung bình thời gian còn lại cho các DN cũng chỉ xung quanh khoảng một quý, kể từ tháng 9/2021.
Giam doc can tien het suc cam cu, phai tim den tin dung den-Hinh-2
Nhiều DN sẽ bị “kiệt quệ” tài chính, nếu không được hỗ trợ. 
Do tác động của đại dịch, có 42,8% DN cho biết sẽ giữ nguyên quy mô sản xuất kinh doanh trong vòng 2 năm tới; 18,4% DN có thể sẽ điều chỉnh giảm quy mô, thậm chí đóng cửa cơ sở kinh doanh; khoảng 36,8% DN có ý định mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, giảm so với 41% của năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ DN chưa triển khai tự động hóa, số hóa trong sản xuất kinh doanh là 42,7%.
Hoạt động sản xuất kinh doanh đã được khôi phục lại từ đầu tháng 10, nhưng theo nhiều DN, khó khăn nhất với họ hiện nay là thiếu tiền. Không ít DN tiết lộ đã phải bán cả xe ô tô cùng các tài sản cố định để duy trì hoạt động. Do khó tiếp cận vốn tín dụng, có DN đã phải “tự cứu mình” bằng cách tìm đến tín dụng đen, với mức lãi suất “cắt cổ”.
Trong khi đó, theo VCCI, gói hỗ trợ về vốn và tín dụng của Chính phủ bao gồm cho vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất vay... đã được triển khai từ đầu 2020 cho kết quả rất hạn chế. Theo khảo sát nhanh trên 500 DN vào tháng 8/2021chỉ có 30,72% DN tiếp cận được. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (0,65%) cho biết gói hỗ trợ về vốn và tín dụng đáp ứng yêu cầu của DN.
Khi dòng tiền cạn kiệt, những khoản vay mới được đánh giá là quan trọng để duy trì sản xuất kinh doanh. Các chuyên gia kinh tế kiến nghị, cần khẩn trương có một gói tái cấp vốn để cho vay mới. Gói tái cấp vốn này sẽ dành một khoản tiền từ ngân sách, để cho các DN vay.
Một trong những điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo DN tiếp cận được vốn mới là cho vay tín chấp. Cùng với đó là tái cấp vốn đặc biệt cho các ngân hàng thương mại với lãi suất rẻ, chỉ định các khoản tái cấp vốn này dành cho vay mới. Điều kiện DN được tiếp cận vốn mới cần hết sức chi tiết, cụ thể.
Theo Trần Thủy/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)