Fe Credit đang gấp rút chuẩn bị cho quá trình triển khai gói tín dụng tiêu dùng 10.000 tỉ đồng với lãi suất giảm 50% so với lãi vay thông thường.
Những ngày này, đại diện Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (thương hiệu Fe Credit) đang cùng đại diện cơ quan Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị liên quan đi khảo sát nhu cầu vay vốn tiêu dùng của công nhân, người lao động ở các tỉnh, thành trên cả nước. Fe Credit là một trong 2 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước chỉ định triển khai gói tín dụng 20.000 tỉ đồng góp phần “dập” tín dụng đen (Fe Credit triển khai gói 10.000 tỉ đồng).
Nỗ lực của công ty tài chính
Fe Credit cho biết đang triển khai chương trình cho vay đặc biệt hỗ trợ người lao động. Với gói tín dụng dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng, lãi suất bằng khoảng 50% so với mức lãi suất thị trường được kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp vốn tín dụng hợp pháp cho người dân, đẩy lùi tín dụng đen. Đây là nỗ lực rất lớn của công ty tài chính đang chiếm hơn 50% thị phần cho vay tiêu dùng trong phân khúc của các công ty tài chính.
“Việc tung ra thị trường gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất chỉ bằng một nửa là một sự nỗ lực rất lớn của chúng tôi, vì câu chuyện không chỉ là dùng nguồn lực của công ty mà còn phải tính toán, quản lý phù hợp để sao cho hiệu quả. Vừa góp phần đẩy lùi tín dụng đen bằng nguồn vốn chính thức, vừa bảo đảm công ty cho vay có hiệu quả. Chúng tôi cam kết sẽ có đội ngũ chăm sóc khách hàng và thu hồi công nợ riêng, có Ban quản lý riêng cho dự án này” - đại diện Fe Credit chia sẻ.
Thực tế, theo ghi nhận, nhu cầu vay tiêu dùng là rất lớn, đặc biệt ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Nhiều công nhân, người lao động có nhu cầu vốn cho những việc đột xuất như đóng tiền học phí cho con, con ốm bệnh hay chi phí sinh hoạt phát sinh… không thể tiếp cận được nguồn vốn chính thức, phải tìm đến tín dụng đen, “vay nóng” ở bên ngoài. Tín dụng đen hiện len lỏi vào nhiều ngõ ngách, nhất là vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp. Thậm chí, các app (ứng dụng) cho vay online của những tổ chức không rõ nguồn gốc cũng cho vay với lãi suất “cắt cổ”, vài trăm %/tháng khiến người vay không thể trả nổi.
Trong văn bản số 4757/TLĐ-TG về tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn tín dụng đen trong công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn. Hoạt động tín dụng đen biến tướng dưới mọi hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao).
Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của nhân dân, trong đó có công nhân lao động. Đặc biệt, các đối tượng liên quan đến tín dụng đen còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.
Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; các Công đoàn Ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc, chủ động phối hợp triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn tín dụng đen trong công nhân lao động.
Đáng chú ý, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ cần phổ biến rộng rãi tới công nhân lao động về gói vay 20.000 tỉ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân lao động. Các cấp Công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở cần tìm hiểu kỹ về gói vay và kết nối đầu mối cho vay giúp công nhân lao động, để họ không phải tìm đến tín dụng đen…
Ai được vay chương trình tín dụng tiêu dùng đặc biệt?
Chia sẻ tại buổi khảo sát nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân, người lao động ở Long An mới đây, Nguyễn Văn Quí - Chủ Tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An cho biết thực tế nhiều người lao động đang rất mong muốn vay vốn để đáp ứng đời sống. Với mức lương trung bình khoảng 6 -10 triệu đồng/tháng cùng giá cả leo thang, sẽ không đáp đủ ứng đủ chi tiêu nếu không có tổ chức tài chính đứng ra hỗ trợ kịp thời. Do đó, làm sao các tổ chức tài chính có thể hỗ trợ, giúp công nhân xoay vòng để cuối tháng nhận lương họ có thể trả, không phải tìm đến tín dụng đen khi có nhu cầu vay đột xuất.
Anh Lập, Giám đốc nhân sự công ty Ching Luh Việt Nam (trụ sở tại tỉnh Long An) băn khoăn trên thị trường có nhiều tổ chức tài chính và nhiều người thậm chí không phân biệt đâu là tổ chức tín dụng chính thức, ai uy tín và ai không uy tín. Vì vậy, mong muốn của doanh nghiệp là giúp người lao động thoát khỏi “ma trận” tín dụng đen vì người lao động dính vào tín dụng đen rồi không trả được và đi trốn nợ thì doanh nghiệp cũng mất người lao động.
Nắm bắt nhu cầu và tâm lý này, Fe Credit dự kiến cung cấp gói sản phẩm đặc biệt cho đối tác công ty và nhân viên gồm khoản vay cho nhân viên, dịch vụ ngân hàng, sản phẩm bảo hiểm và giải pháp đầu tư. Công ty tài chính sẽ hợp tác với cả công ty và nhân viên của công ty cũng như có sự đồng hành của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam và các cơ quan công đoàn cơ sở, để bảo đảm triển khai gói tín hiệu đồng bộ, hiệu quả nhất.
Cụ thể, với những đối tác công ty và người lao động đang hợp tác với Fe Credit, công ty tài chính này sẽ cung cấp gói sản phẩm đa dạng. Như sản phẩm vay cho nhân viên với lãi suất giảm từ 50-60% so với mức lãi suất thông thường. Khách hàng là các đối tác công ty và nhân viên cũng được cung cấp sản phẩm gói bảo hiểm miễn phí/giá ưu đãi; dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số tiết kiệm linh hoạt, chi phí thấp; chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi có kỳ hạn là giải pháp đầu tư cho công ty.
“Chương trình tín dụng tiêu dùng 10.000 tỉ đồng được thiết kế mang đến giá trị không chỉ cho người lao động mà còn cung cấp các lợi ích và cơ hội cho đối tác công ty tham gia. Cụ thể, khoản vay đặc biệt cho người lao động sẽ có kỳ hạn từ 6-24 tháng, số tiền vay từ 10-70 triệu đồng, lãi suất giảm ít nhất 50% so với lãi suất thông thường, áp dụng cho người vay đang làm việc tại các công ty có hợp tác với Fe Credit” - đại diện công ty tài chính này thông tin.
Vai trò của các công ty có hợp tác với Fe Credit là nhằm hỗ trợ truyền thông sản phẩm vay và ghi nhận nhu cầu vay vốn của người lao động; hỗ trợ nhắc nhở nhân viên có khoản vay trả nợ đúng hạn; thông báo các trường hợp nhân viên đang vay phát sinh nghỉ việc, biến động về thu nhập… Trong trường hợp này, việc hợp tác động chỉ góp phần giảm tín dụng đen, hỗ trợ người lao động xoay sở nguồn vốn từ kênh chính thức khi cần thiết mà còn giúp công ty nắm bắt được tình trạng nợ của nhân viên, tăng độ gắn kết giữa người lao động với công ty.
“Chúng tôi rất mong muốn liên kết với Tổng Liên đoàn Lao động, Quỹ CEP và các công ty tài chính để người lao động tiếp cận khoản vay uy tín, nếu có cơ chế, trách nhiệm miễn trừ và thu hồi nợ rõ ràng để bảo đảm quyền lợi cho các bên và người lao động” - anh Lập đề xuất.