Chiều ngày 28/1, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ kiện dân sự liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí giữa Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; nguyên đơn) với báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; bị đơn) vì đăng tải thông tin sai sự thật về chương trình sữa học đường của Vinamilk.
Vụ án được đưa ra xét xử khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
|
Toàn cảnh phiên tòa sơ thẩm trước đó. |
Tại phiên tòa, đại diện Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và luật sư bảo vệ quyền lợi cho rằng 5 bài báo mà cơ quan này đã đăng tải trong tháng 4/2019 liên quan đến sữa tươi học đường của Vinamilk là đúng quy định. Vì vậy, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị Tòa không chấp nhận khởi kiện của Vinamilk; tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Hoàn Kiếm.
Đại diện phía bị đơn bày tỏ mong muốn được hòa giải với nguyên đơn với điều kiện nguyên đơn chấp nhận rút đơn khởi kiện, bị đơn sẽ chấp nhận rút kháng cáo.
Thế nhưng, Vinamilk thể hiện rõ quan điểm không chấp nhận các kháng cáo của bị đơn. Đặc biệt, khi HĐXX cho phép các bên đặt câu hỏi và trả lời cho nhau, đại diện Vinamilk đã đưa ra nhiều dẫn chứng thuyết phục, trả lời rõ ràng những câu hỏi liên quan đến sữa tươi học đường mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đặt ra.
Thậm chí, đứng trước câu hỏi "hóc búa" từ phía luật sư Vinamilk, đề nghị bị đơn chứng minh trước HĐXX sữa học đường Vinamilk gây hại cho sức khỏe, tính mạng con người như thế nào?
Tuy nhiên đại diện bị đơn chỉ có thể trả lời chung chung, không thuyết phục trước câu hỏi. Sau đó, đại diện bị đơn cho rằng việc chứng minh gây hại là việc của Bộ Y tế? Phía đại diện bị đơn còn từ chối trả lời nhiều câu hỏi khác của luật sư nguyên đơn tại tòa...
Nghị án, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân TP Hà Nội xác định: Đơn kháng cáo của Tạp chí Giáo dục Việt Nam đủ căn cứ để Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử. Quá trình xét hỏi, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xác định, những bài báo được đăng tải trong vụ án không đúng theo tôn chỉ, mục đích, mục tiêu tuyên truyền mà giấy phép hoạt động báo chí cấp cho Báo Giáo dục Việt Nam (trước đây), nay là Tạp chí Giáo dục Việt Nam.
Tòa án nhân dân TP Hà Nội cũng xác định, đơn khởi kiện của Vinamilk là có căn cứ. Việc Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm không giải quyết đơn phản tố của Tạp chí Giáo dục Việt Nam là một thiếu sót tuy nhiên không phải là một căn cứ để hủy án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát. Về đề nghị đưa Sở Giáo dục và Đào tạo vào tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử khẳng định, vụ việc cần có trưng cầu ý kiến của cơ quan chuyên môn. Văn bản của Cục An toàn thực phẩm đã trả lời rõ ràng, không phải chung chung. Do vậy, không cần thiết phải xem xét và xác định Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là đơn vị có liên quan.
Căn cứ các qui định của pháp luật, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên: Kháng cáo của bị đơn Tạp chí Giáo dục Việt Nam là không có căn cứ.
Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên: Chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam; không chấp nhận các nội dung phản tố của Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc yêu cầu Công ty Vinamilk phải bồi thường, xin lỗi; buộc Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam phải xin lỗi công khai đối với Vinamilk; Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam phải có văn bản thông báo về việc xin lỗi nói trên; gỡ loạt 5 bài của tác giả Hồng Thủy nhưng lưu trữ trên hệ thống để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, buộc Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm thông báo với các báo, tạp chí, trang thông tin có hợp tác để gỡ bỏ loạt bài nói trên.
Tòa cũng tuyên về án phí và trường hợp án được thi hành.
Trước đó, trong các ngày 28 - 30/9/2020, TAND quận Hoàn Kiếm đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện này. Tòa buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ ngay các thông tin liên quan đến chương trình sữa học đường sai sự thật (5 bài viết), gửi thông báo cho Vinamilk.
Ngoài ra, Tòa còn yêu cầu Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải đăng tải thông tin cải chính, xin lỗi công khai Vinamilk trên báo chí. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải đăng tải thông tin cải chính, xin lỗi công khai Vinamilk trên báo chí có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí, trang tin tổng hợp sử dụng các tin bài của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chương trình sữa học đường phải đăng cải chính xin lỗi theo quy định của luật báo chí.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2019 một số thông tin được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, rồi chia sẻ trên mạng xã hội theo hướng tiêu cực, chủ quan, sai sự thật về chương trình Sữa học đường Hà Nội dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, gây tâm lý hoang mang cho các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi uống sữa, làm xấu đi ý nghĩa nhân văn của chương trình sữa học đường.
Vinamilk khẳng định, những thông tin này chỉ duy nhất có nguồn từ các bài viết của Tạp chí điện điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo Vinamilk, sản phẩm sữa tươi tiệt trùng nhãn hiệu “Vinamilk 100% sữa tươi - học đường” hoàn toàn phù hợp với yêu cầu về chất lượng đã được quy định.
Sản phẩm cung cấp cho chương trình với 14 Vitamin và khoáng chất bổ sung thêm đã trải qua quá trình nghiên cứu lâm sàng, có bằng chứng khoa học của Viện Dinh dưỡng Quốc gia và được xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em.