Phải sớm lên UPCoM
Thực hiện quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về yêu cầu các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM (thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết), hầu hết các ngân hàng đang gấp rút đăng ký và niêm yết tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và một số ngân hàng dự kiến niêm yết trên sàn chính thức trong năm nay.
Tuy nhiên, không ít nhà băng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM từ khá lâu, song đến nay vẫn rất ít nhà băng hành động. Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn chưa có kế hoạch đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức.
|
Techcombank dự kiến lên sàn HOSE vào đầu tháng 6 tới. Ảnh: Đức Thanh. |
HĐQT VietBank cho biết, về kế hoạch niêm yết, trước mắt, nhà băng sẽ tăng vốn điều lệ đợt 1 khoảng 500 tỷ đồng và niêm yết trên sàn UPCoM trong năm nay. Đến năm 2020, Ngân hàng sẽ niêm yết trên sàn HOSE.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2015, cổ đông đã giao HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết cổ phiếu. Tuy nhiên, do giai đoạn 2015 - 2017, thị trường diễn biến chưa thuận lợi và sự quan tâm đến cổ phiếu Nam A Bank còn chưa đủ để ngân hàng quyết định niêm yết.
Năm nay, thị trường chứng khoán thuận lợi hơn, nên HĐQT Nam A Bank trình cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu, đồng thời giao HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng, không phân biệt là công ty đại chúng hay không, đều phải lên sàn UPCoM, chứ không bắt buộc lên sàn chứng khoán chính thức, nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu báo cáo tài chính.
Niêm yết trên sàn chính thức
Không chỉ lên UPCoM, mà nhiều nhà băng đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chính thức để đón đầu xu hướng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng.
Techcombank dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào ngày 4/6. Niêm yết tại HOSE, Techcombank dự kiến được định giá khoảng 6,1 - 6,5 tỷ USD, nằm trong nhóm 10 công ty niêm yết lớn nhất nước.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB cũng cho hay, Ngân hàng đang xúc tiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. HĐQT OCB đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết.
Mới đây nhất, vào ngày 19/4, TPBank đã niêm yết 555 triệu cổ phiếu TPBank với mã chứng khoán TPB tại HOSE. Với giá chào sàn 32.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của TPBank đạt 17.760 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 8 trên thị trường chứng khoán.
Trước đó, HDBank đưa gần 981 triệu cổ phiếu HDB lên sàn HOSE vào ngày 5/1/2018, với giá khởi điểm 33.000 đồng/cổ phiếu và liên tục tăng trong các tháng kế tiếp.
Các mã cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên các sàn HOSE, HNX gồm:
HDB, VPB, VCB, CTG, BID, ACB, EIB, STB, MB, SHB, TPB. Trong khi đó, giao dịch trên UPCoM có VIB, KLB, LPB.
Một số ngân hàng như VIB, KLB, LienVietPostBank - đã lên UPCoM - cũng có ý định sớm niêm yết trên sàn HOSE.
Trong quý đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận trên ngàn tỷ đồng, như VCB, ACB, MB, VPBank, Techcombank, CTG… với mục tiêu lợi nhuận đưa ra hàng chục ngàn tỷ đồng cho năm 2018 được kỳ vọng tác động tốt lên cổ phiếu “vua”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tài chính, với những cổ phiếu sẽ chào sàn trong thời gian tới, không phải mã nào cũng có tiềm năng tăng trưởng, mà chắc chắn có sự phân hóa mạnh.
Thêm vào đó, đằng sau câu chuyện tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng năm 2018 lại là nỗi lo của các cổ đông. Việc tăng vốn quá nhanh sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu, khiến tốc độ tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chậm lại.
Theo phân tích của SSI Retail Research, định giá thị trường hiện nay không còn rẻ. Nhóm ngân hàng tuy có tỷ số P/E (giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) không quá cao, nhưng định giá P/B (giá trên giá ghi sổ sách) cũng đã ở mức đắt so với các cổ phiếu ngân hàng trên thế giới.
Chỉ số P/B (giá trên giá ghi sổ sách) của VCB đỉnh điểm lên tới 5 lần, trong khi bình quân của nhóm cổ phiếu ngân hàng có quy mô tương đương chỉ khoảng 1,5 lần. P/B của các mã ngân hàng như BID, VPB, HDB, ACB cũng đều vượt ngưỡng 3 lần. Trong tình hình đó, việc điều chỉnh về mức định giá thấp hơn là hoàn toàn lành mạnh và cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán.