Vì sao Lâm Đồng bác đề xuất dự án sân golf Golden City?

Google News

Không phù hợp từ quy hoạch đến năng lực tài chính, dự án tổ hợp sân golf gần 2.600 tỷ đồng của Công ty CP Golden City vừa bị các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng kiến nghị từ chối đề xuất đầu tư.

Chưa phù hợp các quy hoạch
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Lâm Đồng vừa chủ trì, phối hợp các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)… thẩm định về đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar của Công ty CP Golden City.
Theo đề xuất của Công ty CP Golden City, dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar có quy mô khoảng 90,29ha, trong đó khu sân golf có quy mô khoảng 71,6ha và khu nghỉ dưỡng khoảng 18,6ha. Địa điểm thực hiện dự án thuộc một phần tiểu khu 145B, 114A tại thị trấn Lạc Dương và xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Dự án sẽ xây dựng sân golf cao cấp 18 hố tiêu chuẩn quốc tế, kinh doanh sân golf và các dịch vụ liên quan đến sân golf.
Tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.594,5 tỷ đồng, trong đó 389,1 tỷ đồng là vốn của chủ đầu tư, 2.205,3 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự tính khoảng 373,4 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2022 đến hết quý IV/2028, thời gian hoạt động 50 năm.
Vi sao Lam Dong bac de xuat du an san golf Golden City?
 Một góc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng (ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử Huyện ủy Lạc Dương).
Theo ý kiến của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, khu vực đề xuất thực hiện dự án của Công ty CP Golden City có hiện trạng rừng tự nhiên núi đất lá kim trung bình khoảng 2,16ha, rừng tự nhiên núi đất lá kim giàu khoảng 0,71ha, đất đang sản xuất nông nghiệp khoảng 12,94ha, đất trống khoảng 0,02ha, đất không kiểm kê tài nguyên rừng khoảng 74,46ha.
Như vậy, trong diện tích đất đề xuất thực hiện dự án có khoảng 2,87ha đất rừng tự nhiên, không được sử dụng để thực hiện dự án sân golf theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 52/2020/NĐ-CP về nguyên tắc đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf và Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017.
Xét về tính phù hợp quy hoạch, Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, dự án đề xuất không phù hợp với quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất huyện Lạc Dương đến năm 2020 và quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Hơn nữa, khu vực đề xuất dự án chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được phê duyệt, do đó chưa đủ cơ sở để tiến hành thẩm định cụ thể, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Yêu cầu nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính
Khi đề xuất dự án, nhà đầu tư cho rằng, dự án sẽ phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 640 lao động địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tăng các khoản thu ngân sách của địa phương (khoản nộp ngân sách trong thời gian thực hiện dự án khoảng 3.041,6 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, hầu hết khu vực đề xuất dự án là đất sản xuất nông nghiệp, việc thực hiện dự án sẽ làm mất đi diện tích không nhỏ đang sản xuất nông nghiệp ổn định của người dân địa phương. Do đó, cần cân nhắc về hiệu quả đầu tư cũng như mức độ ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt tại hồ Đan Kia Suối Vàng, trật tự, an ninh chính trị tại địa phương… làm cơ sở xem xét chủ trương đầu tư dự án cho phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế.
Mặt khác, thống kê sơ bộ của nhà đầu tư cho rằng dự án tác động đến khoảng 500 hộ dân đang sử dụng đất; nhưng lại không đề cập đến phương án thỏa thuận, chi trả bồi thường, không đề xuất đơn vị thực hiện đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng với khu vực đề xuất dự án.
Qua xem xét hồ sơ có liên quan, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho rằng, theo quy định, Công ty CP Golden City phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư, tương ứng với vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án khoảng 389 tỷ đồng.
Theo văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư ngày 8/8/2022, công ty đề xuất nguồn vốn đầu tư từ vốn huy động khoảng 2.205,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ nhận được không có tài liệu chứng minh khả năng huy động vốn theo để xuất của công ty, do đó, Sở Tài chính không có cơ sở để tham gia ý kiến.
Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở KH&ĐT yêu cầu công ty cung cấp hồ sơ chứng minh gồm ít nhất một trong các tài liệu như: Văn bản cam kết cho vay, cấp tín dụng, cam kết hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính, ngân hàng… Trong đó, yêu cầu các văn bản phải có nội dung ghi rõ cam kết hoặc chấp thuận cấp tín dụng cho công ty để thực hiện dự án.
Vi sao Lam Dong bac de xuat du an san golf Golden City?-Hinh-2
 Toà nhà trụ sở của Golden City tại 25 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An (ảnh: nhadautu.vn)
Từ những nội dung thẩm định như trên, Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh chưa chấp thuận đề xuất thực hiện đầu tư dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar tại huyện Lạc Dương của Công ty CP Golden City.
Cùng đó, giao UBND huyện Lạc Dương rà soát các nội dung về hiện trạng rừng, quy hoạch, đánh giá kỹ lưỡng mức độ tác động của dự án với đời sống nhân dân, ảnh hưởng với môi trường và một số nội dung khác liên quan...
Theo tìm hiểu, Công ty CP Golden City được thành lập ngày 24/9/2007, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Địa chỉ trụ sở chính tại tòa nhà Golden City, số 25 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Lê Mao, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông Hồ Văn Giang là người đại diện theo pháp luật.
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)