Chị Lê Thị Hằng (35 tuổi) cho biết, do có nhu cầu mua nhà ở nên vừa qua chị đã tìm hiểu thông tin về một số dự án mới được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, theo chị Hằng, giá bán căn hộ tại các dự án này đều ở mức cao nên những người có thu nhập thấp như chị khó có thể nào tiếp cận được.
"Các dự án căn hộ chung cư hiện nay chủ yếu đều là dự án trung cấp, cao cấp nên giá bán rất cao. Với kinh tế khó khăn như hiện nay thì tôi càng khó đảm bảo tài chính để mua được, dù chắc chắn phải vay ngân hàng. Sau khi tìm hiểu, tôi dự định sẽ chuyển hướng sang tìm mua căn hộ tại chung cư cũ, đã có sổ hồng", chị Hằng chia sẻ.
Theo ghi nhận, dự án The Privia (quận Bình Tân, TP.HCM) vừa được chủ đầu tư Khang Điền công bố đủ điều kiện mở bán, dự kiến mở bán vào ngày 25/11. Một nhân viên bán hàng có mặt ngay tại dự án cho biết, dự án có 1.043 căn hộ với giá bán từ 48 triệu đồng/m2. Hiện chủ đầu tư đang nhận giữ chỗ 50 triệu đồng/căn.
Nguồn cung căn hộ đều đến từ các dự án trung cấp và cao cấp với giá bán cao khiến người dân có nhu cầu mua nhà ở thực khó tiếp cận
Trong khi đó, dự án Akari City (quận Bình Tân) của chủ đầu tư Nam Long có giá từ 45 triệu đồng/m2, dự án D-Homme (quận 6) có giá bán từ 74 triệu đồng/m2….
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý 3/2023, tại TPHCM, dự án chung cư được chào bán đa số thuộc phân khúc cao cấp và trung cấp với giá bàn từ 35-100 triệu đồng/m2. Cụ thể, như dự án An Gia Skyline (quận 7) có giá chào bán khoảng 39 triệu đồng/m2; dự án Happy Valley (quận 7) có giá chào bán khoảng 48,2 triệu đồng/m2; dự án căn hộ Royal Park Riverside (quận 8) có giá chào bán khoảng 35 triệu đồng/m2; dự án Empire City - The Monarch tại Khu đô thị Thủ Thiêm có giá khoảng 200 triệu đồng/m2; dự án Thảo Điền Green tại (quận 2) có giá chào bán khoảng 100 triệu đồng/m2…
Nhiều chuyên gia bất động sản nhìn nhận mặt bằng giá nhà tại đô thị lớn như TPHCM hiện quá cao so với thu nhập của người dân. Theo chuyên gia, bên cạnh nguồn cung hạn chế do nhiều dự án gặp vướng mắc trong vấn đề pháp lý thì nguyên nhân khiến giá nhà cao còn do chi phí đất, vật tư, nhân công, thiết kế, giám sát, xây dựng đều cao.
Tại TPHCM, phân khúc căn hộ bình dân "biến mất" trên thị trường từ năm 2021 đến nay
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố trong thời gian qua tiếp tục bị mất cân đối, lệch pha sản phẩm nhà ở. Từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70-80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân dẫn đến tình trạng rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội là loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân.
Cũng theo ông Châu, giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và vẫn "neo cao" vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư.
"Căn hộ bình dân có giá 2-3 tỷ đồng thì người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà", ông Châu nói và nhấn mạnh thị trường bất động sản TPHCM kể từ sau năm 2017 đã liên tục bị sụt giảm nguồn cung và kể từ năm 2020 còn bị lệch pha sản phẩm nhà ở, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục cho đến nay.