Vì sao Chủ tịch cùng 5 thành viên HĐQT Eximbank bị NHNN xử phạt?

Google News

Dù bị xử phạt hành chính, song 6 thành viên HĐQT Eximbank vẫn trì hoãn tổ chức đại hội cổ đông bất thường theo triệu tập của cổ đông chiến lược SMBC.

Ngân hàng Nhà nước ngày 20/8/2020 có công văn số 5979/NHNN-TTGSNH trả lời CTCP Thắng Phương về các nội dung doanh nghiệp này phản ánh tại ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Cụ thể, công ty Thắng Phương kiến nghị NHNN yêu cầu HĐQT Eximbank triệu tập ĐHĐCĐ bất thường theo đề nghị của SMBC và/hoặc của nhóm cổ đông sở hữu từ 15% đến hơn 50% cổ phiếu Eximbank với đầy đủ nội dung và chương trình do nhóm cổ đông đề xuất.

Về nội dung này, NHNN cho biết cơ quan này ngày 22/10/2019 đã có văn bản số 4278/TTGSNH2 yêu cầu HĐQT, Ban kiểm soát Eximbank thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn để xem xét, xử lý việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông chiến lược SMBC theo đúng quy định pháp luật, điều lệ Eximbank và các quy định khác của pháp luật có liên quan, đảm bảo tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông SMBC nói riêng và cổ đông Eximbank nói chung.

Đối với việc HĐQT, BKS không triệu tập ĐHĐCĐ bất thường theo đúng quy định pháp luật, trước đó, vào tháng 12/2019, NHNN đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi "Không tổ chức hoặc tổ chức ĐHĐCĐ không đúng quy định" đối với 6 cá nhân là thành viên HĐQT Eximbank, bao gồm các ông Cao Xuân Ninh, Lê Văn Quyết, Ngô Thanh Tùng, Nguyễn Quang Thông, Lê Minh Quốc và Yasuhiro Saitoh.

Đồng thời, NHNN ngày 5/12/2019 cũng đã có công văn số 9533/NHNN-TTGSNH phê bình Trưởng BKS và các thành viên BKS Eximbank trong việc chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm được giao liên quan đến việc triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông chiến lược SMBC.

Việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường đang là một "điểm nghẽn" tại Eximbank, là khác biệt cơ bản trong ý chí của các nhóm cổ đông, và tất nhiên, là cả HĐQT.

Trong khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 sẽ bầu mới HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2020-2025, thì ĐHĐCĐ bất thường do SMBC triệu tập từ năm ngoái lại đặt vấn đề thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm và miễn nhiệm ngay lập tức đối với các thành viên không đủ uy tín.

Ở bối cảnh hiện tại, có thể coi có hai nhóm cổ đông đối lập ở Eximbank, là nhóm ủng hộ SMBC và nhóm xoay quanh một đại gia hàng đầu trong lĩnh vực lắp ráp, phân phối ô tô ở miền Bắc. Nhóm SMBC được cho là có quá bán cổ phần Eximbank, thể hiện rõ qua tỷ lệ tham dự ĐHĐCĐ bất thường ngày 30/6 vừa qua, dù vậy, lại chỉ có 3 "ghế" ủng hộ trong HĐQT 9 người của Eximbank. 6 vị trí còn lại - đều đã bị NHNN xử phạt, sẽ không bất ngờ nếu là những người "nghiêng" hẳn về nhóm đại gia ô tô, dù nhóm cổ đông này yếu thế hơn đáng kể về tỷ lệ cổ phần nắm giữ.

Thực tế có phần "tréo ngoe" đang diễn ra tại Eximbank, là nhóm cổ đông có thực lực lại không có tiếng nói trong HĐQT, và ngược lại. Điều này giải thích tại sao 6 thành viên HĐQT dù bị xử phạt và tiếp tục có nguy cơ bị phạt song vẫn liên tục trì hoãn tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, trong khi nhóm SMBC chỉ chấp thuận tổ chức Đại hội bất thường rồi mới tổ chức Đại hội thường niên.

Vi sao Chu tich cung 5 thanh vien HDQT Eximbank bi NHNN xu phat?
 

Tranh chấp giữa các nhóm cổ đông rõ ràng đang kéo Eximbank thụt lùi. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhà băng này mới tổ chức thành công duy nhất một kỳ đại hội, các kế hoạch kinh doanh, chiến lược quan trọng bởi vậy đều chưa được thông qua. Nên nhớ, Eximbank trong hơn 1 năm qua không có người đại diện theo pháp luật, việc tạm ứng thù lao cho HĐQT, BKS cũng bị cổ đông tố cáo là trái pháp luật khi chưa được ĐHĐCĐ chấp thuận.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng Eximbank đang rất cần một kỳ đại hội cổ đông, có thể lúc này không còn phân biệt thường niên hay bất thường, để giải quyết tất cả các vướng mắc từ trước đến nay.

Sau hai lần bất thành, Đại hội thường niên lần 3 dự kiến diễn ra ngày 17/8 vừa qua tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ một kỳ Đại hội như vậy. Tuy nhiên HĐQT Eximbank, với lý do dịch bệnh, đã hoãn vô thời hạn Đại hội thường niên, và tất nhiên, là cả Đại hội bất thường, dù nhiều sự kiện lớn, quan trọng vẫn được tổ chức tại Hà Nội vào cùng thời điểm.

Thời gian càng kéo dài, nhóm cổ đông yếu thế càng thêm hi vọng phá vỡ liên minh SMBC, đồng thời tiếp tục kiểm soát Eximbank. HĐQT nhà băng này, cần biết rằng, trong nửa cuối năm ngoái và nửa đầu năm nay đã ban hành tới hơn 500 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng, như Nghị quyết 231 đã được Người Đưa Tin Pháp luật phân tích trước đó.

Cũng trong công văn gửi Công ty Thắng Phương, NHNN cho biết việc thanh tra pháp nhân Eximbank được tiến hành từ cuối năm ngoái, hiện đang trong quá trình tổng hợp kết quả và kêt luận sẽ được ban hành, công bố theo đúng quy định.

Về việc Công ty Thắng Phương kiến nghị NHNN chỉ phê duyệt danh sách Thành viên HĐQT do cổ đông đề cử để tôn trọng đầy đủ quyền cổ đông, NHNN khẳng định việc đề cử, ứng cử, thông qua danh sách nhân sự cần thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, Điều lệ và quy định nội bộ của Eximbank.

Trước đó, Eximbank ngày 29/5/2020 có công văn gửi NHNN đề nghị chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự bầu vào HĐQT khoá mới, trong đó tới 6/10 vị trí do HĐQT nhiệm kỳ hiện tại đề cử. Trong HĐQT 10 người ban đầu của Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 cũng có tới 5 vị trí do HĐQT nhiệm kỳ cũ đề cử. Các thành viên "0 đồng", không đại diện cho quyền lợi của cổ đông bị cho là một trong những yếu tố gây nên bất ổn nhiều năm qua tại Eximbank. 

Theo Hiểu Minh/Người đưa tin

>> xem thêm

Bình luận(0)