Chỉ còn chục ngày nữa là tới Tết Trung thu (Rằm tháng 8 Âm lịch), trên các tuyến phố chính ở Hà Nội dễ dàng bắt gặp những quầy hàng bán bánh trung thu. Thậm chí, chỉ một đoạn phố ngắn hơn 100m có tới 4-5 quầy bánh được dựng lên bán tạm tại vỉa hè.
Điều đặc biệt, những cửa hàng, đại lý bán bánh trung thu của các thương hiệu như Kinh Đô, Như Lan, Hữu Nghị, Thu Hương, Bibica,... khá vắng khách dù Trung thu đã cận kề.
Ghi nhận của PV. VietNamNet, năm nay, sức mua của người tiêu dùng với loại bánh cổ truyền này vẫn rất chậm. Không có cảnh tấp nập người mua bán, tại các quầy bánh khách ra vào lác đác.
Chị Trần Thu Hà - nhân viên bán hàng tại một quầy bánh trung thu trên tuyến phố Vạn Phúc (Hà Đông) cho biết, gần 1 tháng trước bên chị bắt đầu dựng quầy bán bánh để đáp ứng nhu cầu mua bánh biếu tặng sớm của khách hàng. Song, sức mua năm nay chậm, lượng bánh bán ra chỉ bằng khoảng 20% so với các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
“Có ngày ngồi bán cả buổi sáng mà chỉ 1 khách đến mua. Cứ nghĩ sức mua bánh chậm vì phụ thuộc vào vị trí đặt quầy hàng, thương hiệu và chủng loại bánh bên mình chưa hấp dẫn nhưng không phải. Bởi chẳng riêng gì quầy công ty mình bán chậm mà những người đứng quầy của các thương hiệu bánh khác cũng đang bồn chồn đợi khách như mình vậy”, chị Hà nói.
Người bán hàng này cũng cho hay, năm nay do nguyên liệu làm bánh đắt đỏ, chi phí vận chuyển tăng, giá nguyên vật liệu bao bì tăng, đặc biệt mặt hàng dầu ăn tăng hơn mọi năm nên mỗi chiếc bánh trung thu cũng tăng giá từ 5.000-10.000 đồng/chiếc tùy loại.
Chị Hà vẫn hy vọng, đến sát Trung Thu nhu cầu mua bánh thưởng thức của người dân sẽ dâng cao hơn, khi ấy khách sẽ đông.
Có nhiều năm kinh nghiệm bán bánh trung thu, theo chị Hà, nguyên nhân khiến sức mua năm nay chậm là bởi người dân thắt chặt chi tiêu hơn. Nhiều gia đình chắt bóp từng đồng, chỉ chi tiền mua sắm những gì thật sự cần thiết.
“Một hộp 4 bánh trung thu bình dân chọn sẵn có giá từ 235.000-497.000 đồng/hộp tùy loại. Riêng loại bánh cao cấp có giá đắt đỏ hơn, có thể lên tới 3 triệu đồng/hộp. Vì thế, nhiều người cũng phải cân nhắc để mua loại bánh phù hợp với mức thu chi của gia đình mình”, chị Hà nói.
Chưa kể, mấy năm gần đây, thay vì bỏ tiền ra mua bánh của các thương hiệu lớn, nhiều bà nội trợ quyết định tự mua nguyên liệu về làm bánh tại nhà để có không khí Trung thu ấm áp hơn.
Chị Đỗ Thị Minh, 43 tuổi - Khu tập thể Học viện Quân y 103 (Phùng Hưng, Hà Đông) tâm sự, những năm trước chị thường bỏ ra khoảng 1,5 triệu đồng để mua khoảng 3 hộp bánh trung thu về biếu ông bà nội, ngoại và thắp hương ngày Rằm tháng 8. Hai năm nay, chị bỏ ra khoảng 500.000 đồng tự mua nguyên liệu về nhà làm lấy.
Theo chị, tự làm mất chút công sức nhưng bánh vừa ngon hơn ngoài hàng lại vừa tiết kiệm được khoản tiền kha khá. Bánh làm ra có thể đem biếu nội ngoại, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết. Không những vậy, 2 đứa trẻ nhà chị còn được tập làm bánh nướng, bánh dẻo, gia đình nhộn nhịp không khí Trung thu hơn hẳn.
Khác với bà nội trợ trên, khi nói về chuyện mua bánh trung thu để biếu tặng người thân, chị Thu Giang - nhân viên văn phòng ở Tòa nhà Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) - chia sẻ, thường thì dịp Tết trung thu, chị hay mua vài hộp bánh biếu người thân. Nhưng 3 năm nay, do dịch Covid nên chi tiêu của gia đình chị hạn hẹp. Để tiết kiệm, chị cắt luôn khoản này.
Còn bánh để gia đình thưởng thức thì chị chọn mua loại bánh trung thu handmade do nhân bánh có rất nhiều hương vị để lựa chọn. Đặc biệt, nhiều loại được người làm sáng tạo, với các hình thù rất ngộ nghĩnh khiến lũ trẻ thích thú, chị kể.