Trong đó, có 4 DN nhập khẩu hơn 3.000 máy, số còn lại do các cá nhân, tổ chức không có mã số thuế nhập khẩu. Đáng chú ý, trong 4 DN trên có 1 DN tại TPHCM mặc dù mới thành lập và hoạt động được hơn 8 tháng nhưng từ đầu năm 2018 đến nay đã làm thủ tục nhập khẩu gần 2.300 máy.
Theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ, mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Litecoin… không thuộc danh mục mặt hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu phải có giấy phép.
|
Vẫn ồ ạt nhập máy đào Bitcoin. |
Theo Cục Hải quan TPHCM, để sử dụng được Bitcoin và các loại
tiền ảo khác, cần có phương tiện là máy xử lý dữ liệu tự động
khai thác tiền ảo trên mạng. Trong năm 2017 có trên 7.000 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo được nhập khẩu về TPHCM qua đường chuyển phát nhanh do 7 DN nhập khẩu và một số cá nhân, tổ chức không có mã số thuế thực hiện.
Trước thực trạng nhập khẩu ồ ạt máy móc trên, cuối năm 2017, Cục Hải quan TPHCM báo cáo và đề xuất Tổng cục Hải quan kiến nghị không cho nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị này. Tổng cục Hải quan đã có văn bản trao đổi với đơn vị có liên quan đối với việc nhập khẩu và quản lý các thiết bị nêu trên.
Trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, khi có thông tin người dân mua máy đào Bitcoin và xuất hiện các vụ việc phức tạp, Thủ tướng đã yêu cầu đẩy mạnh quản lý. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản không công nhận Bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác là đồng tiền sử dụng hợp pháp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tình trạng nhập máy đào tiền ảo vẫn khá sôi động. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay, cả nước đã nhập khẩu 15.600 máy đào.