Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) của tỷ phú Trần Đình Long vừa thông báo quyết định HĐQT góp vốn thành lập Công ty cổ phần Điện máy Gia dụng Hòa Phát với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Hòa Phát góp 999 tỷ đồng, tương ứng 99,9% vốn điều lệ doanh nghiệp mới.
Ngành nghề kinh doanh chính của Điện máy Gia dụng Hòa Phát là đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện máy, điện lạnh, điện gia dụng. Trụ sở chính doanh nghiệp đặt tại số 39 Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hội đồng quản trị Hòa Phát ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, quản lý phần vốn góp của Hòa Phát tại Công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát.
|
Tập đoàn Hòa Phát rót vốn lấn sân điện máy. |
Trước đó, báo cáo của Hòa Phát cho biết Công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 99,6% cổ phần tại Công ty Nội thất Hòa Phát cho Công ty CP Nội thất Eden Việt Nam. Giá trị chuyển nhượng là 896,4 tỷ đồng, trong khi giá trị ghi sổ của Công ty Nội thất Hòa Phát là 398,4 tỷ.
Trước khi rút chân hoàn toàn khỏi mảng nội thất để lấn sân sang mảng điện máy gia dụng, "vua thép" đã ghi nhận khoảng 498 tỷ đồng tiền lãi từ thương vụ này.
Theo tìm hiểu của PV, tính đến ngày 30/6/2021, Hòa Phát có 4 Công ty con cấp 1 bao gồm: Công ty CP Gang thép Hòa Phát; Công ty CP Sản thẩm thép Hòa Phát; Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát; Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát. Mỗi Công ty con này đang quản lý và vận hành một mảng kinh doanh của Tập đoàn.
Về tình hình kinh doanh, Hòa Phát vẫn ghi nhận sản lượng bán hàng trong tháng 8/2021 đạt 690.000 tấn, tăng 38% so với cùng kỳ và tăng 15% so với tháng trước.
Cụ thể, tiêu thụ thép xây dựng giảm 17% xuống 268.000 tấn, tuy nhiên được bù đắp bởi sản lượng HRC đạt 273.591 tấn, mức cao nhất kể từ khi Hòa Phát cung ứng HRC ra thị trường. Lũy kế 8 tháng, thị phần thép xây dựng Hòa Phát đạt 37%, cao hơn 9% so với thời điểm đầu năm.
Nguyên nhân là diễn biến thị trường thép thuận lợi cùng việc lò cao số 4 đi vào vận hành ngay đầu năm, đánh dấu việc toàn bộ dự án Dung Quất hoàn thành sau 4 năm triển khai.
Trước việc tỷ phú thép Trần Đình Long "chơi lớn" rót vốn lấn sân điện máy, khiến dư luận đặt câu hỏi Công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát có đem về doanh thu khủng cho Tập đoàn Hòa Phát.
Trong mảng máy điều hoà nhiệt độ, thị phần của Funiki vẫn ở mức thấp, các thương hiệu điều hoà lớn trên thị trường đến từ các ông lớn như Daikin, LG, Panasonic, Toshiba, Sharp, hiện nay có một "nhân tố mới nổi" là Casper.
Đáng chú ý, trong khi Hoà Phát duy trì doanh thu khoảng 1.000 tỷ/năm trong năm 2019 và 2020 thì doanh thu của Panasonic Việt Nam năm 2020 là 13.565 tỷ, của Daikin năm 2019 là 12.109 tỷ đồng, doanh số của Daikin tăng 4 năm liên tiếp và đã vượt 10.000 tỷ vào năm 2017.
Casper Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh trong 5 năm trở lại đây, giai đoạn 2016-2018 xuất phát điểm của Casper còn khá thấp so với điện lạnh Hoà Phát, tuy nhiên năm 2019 và 2020 Công ty này bất ngờ bứt phá mạnh, doanh thu 2020 đạt 3.450 tỷ, gấp 3 lần Hoà Phát.
Mặc dù doanh thu khá thấp trong ngành, tuy nhiên điện lạnh Hoà Phát vẫn đạt 142 tỷ lợi nhuận sau thuế năm 2020 - tăng 34% so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận của Panasonic lên nghìn cả nghìn tỷ còn Daikin cũng gần 500 tỷ đồng/năm.
|
Mảng điện máy và hàng gia dụng ở Việt Nam còn khá lớn. (Ảnh minh họa). |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành hàng gia dụng còn nhiều tiềm năng phát triển, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội của Việt Nam như dân số trẻ dẫn đến nhu cầu hàng gia dụng lớn.
Cụ thể, tiêu dùng cho đồ gia dụng độ tuổi từ 18 - 45 chiếm 57 - 60% chi tiêu toàn thị trường. Đồng thời, thu nhập người dân hiện đang tăng lên (trên 2.000 USD/người/năm), dẫn đến thay đổi nhu cầu về chất lượng, mẫu mã nhiều hơn.
Trong khi đó, thu nhập từ nông thôn cũng tăng nhanh trong khi phân khúc giá trung bình ở hàng điện máy và gia dụng đang thuộc về các Công ty có vốn nước ngoài. Điều này cho thấy miếng bánh mở rộng thị trường trong mảng điện máy và hàng gia dụng ở Việt Nam còn khá lớn.