Năm 2020 có lẽ là một năm vất vả với tất cả các doanh nhân trên thế giới cũng như doanh nhân Việt Nam khi phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 mang lại. Tuy vậy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại có một năm 2020 vượt bão thành công và đóng góp nhiều điều thiện nguyện cho Việt Nam.
Kết thúc năm 2020, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã dẫn đầu danh sách tỷ phú USD tại Việt Nam với tài sản ước đạt 6,8 tỷ USD, tăng thêm 100 triệu USD trong tháng 12/2020. Nhưng nếu so với đầu năm 2020 thì tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng vọt thêm 1,3 tỷ USD.
Thức thời rút khỏi ngành hàng không chuyển sang bất động sản khu công nghiệp
Trong suốt cả năn 2020, đế chế Vingroup của ghi nhận một hành trình dài với nhiều quyết định và nước đi táo bạo. Ngay đầu tháng 1/2020, Vingroup bất ngờ công bố rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dừng dự án Vinpearl Air nhưng vẫn duy trì hoạt động của Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng không.
Lý do cho quyết định rút chân khỏi hàng không là để "tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup".
|
Chân dung tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup. |
Trước đó, để thực hiện chiến lược này, tháng 12/2019, Vingroup đã rút khỏi mảng bán lẻ và nông nghiệp. Quyết định dừng đầu tư kinh doanh vận tải hàng không là bước đi nhất quán trong việc tái cơ cấu hoạt động, tập trung vào các ưu tiên cốt lõi của Tập đoàn.
Sau quyết định rút khỏi mảng hàng không không lâu thì đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến các hãng bay rơi vào tình trạng tê liệt và ghi lỗ nặng. Nhiều người cho rằng vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có một quyết định đầy đúng đắn và đưa Vingroup thoát khỏi bờ vực nguy hiểm.
Rút khỏi thị trường hàng không, tỷ phú Phạm Nhật Vượng linh hoạt đầu tư trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp do tình hình dịch bệnh gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, điều này trở thành cơ hội khi các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới kế hoạch mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất tại những thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ bước đi mới: "Vingroup xác định bất động sản công nghiệp sẽ là mảng kinh doanh chính và quan trọng trong tương lai bởi lĩnh vực này mang lại dòng tiền thường xuyên".
Ông Vượng cho rằng bất động sản khu công nghiệp sẽ mang lại dòng tiền thường xuyên. Điều này là cần thiết, nếu nhìn từ diễn biến COVID-19, một mảng kinh doanh có khả năng phân tán rủi ro và hướng tới những nguồn thu ổn định càng trở nên quan trọng hơn.
Dịch bệnh bùng phát đã tác động lên nhiều hoạt động kinh doanh, nhưng nặng nhất phải kể đến du lịch và nghỉ dưỡng. Với Vingroup, ảnh hưởng lớn nhất là hoạt động của Vinpearl. Ba tháng đầu năm, bộ phận này ghi nhận doanh thu hơn 1.800 tỷ nhưng lỗ trước thuế gần 1.700 tỷ đồng. Ngược lại, bất động sản khu công nghiệp được đánh giá là "ngôi sao đang lên" bất chấp dịch bệnh.
Theo đó, công ty phụ trách lĩnh vực này là Vinhomes sẽ phát triển bất động sản khu công nghiệp tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và phát triển hạng mục văn phòng nằm trong các khu đô thị Vinhomes từ 3 - 5 năm tới.
Việc đón sóng đầu tư có thể chỉ là một nửa câu chuyện. Quyết định phát triển bất động sản khu công nghiệp còn mang theo những toan tính của Vingroup về việc mở rộng hệ sinh thái cho mảng sản xuất với tham vọng đi nhanh hơn.
Bà Nguyễn Diệu Linh, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, những khách hàng mục tiêu ban đầu của mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ là các đơn vị trong chuỗi cung ứng linh kiện ôtô, mục đích nhằm tạo ra một hệ sinh thái xung quanh VinFast cả về yếu tố sản xuất và địa lý.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng, giải ngân trong 1-2 năm tới. Đối tượng khách thuê, trước mắt khách thuê đơn vị trong chuỗi cung ứng cho nhà máy VinFast sau đó mở rộng ra ngoài thị trường.
Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục ghi dấu ấn khi VinFast đã bán ra tổng cộng hơn 3.600 xe ô tô trong tháng 9 – cao nhất từ trước đến nay, trong đó cả ba mẫu xe Fadil, Lux A và Lux SA2.0 dẫn đầu top xe bán chạy nhất theo từng phân khúc tương ứng.
Cũng trong tháng 9, VinFast chính thức công bố mẫu SUV VinFast President phiên bản giới hạn dành riêng cho thị trường Việt Nam và nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn khi 100 trên 500 chiếc đã được đặt mua chỉ trong vòng hơn một tháng mở bán.
VinSmart tiếp tục giữ vững thị phần thuộc top 3 thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất trong quý 3. VinSmart đã ra mắt thêm ba mẫu điện thoại phổ thông là Star 4, Live 4 và Joy 4. Hai mẫu điện thoại tầm trung và cao cấp là Vsmart Aris và Aris Pro cũng được ra mắt trong quý. Với Aris Pro, VinSmart trở thành một trong số những hãng điện thoại đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ camera ẩn dưới màn hình.
Những đóng góp cho đại dịch và được Forbes vinh danh
Bên cạnh việc kinh doanh khởi sắc, tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn mở rộng vòng tay khi tận dụng những gì mình đang có để giúp đỡ Việt Nam vượt qua khó khăn khi đại dịch bùng nổ.
Ngay từ tháng 2, Vingroup ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Đến tháng 3, Vingroup lại tiếp tục tài trợ thêm 125 tỷ đồng trang bị máy thở, máy xét nghiệm, bộ sinh phẩm xét nghiệm và nghiên cứu SARS-CoV-2.
Ngoài ra, tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn thuê riêng Boeing 787 Dreamliner của Vietnam Airlines đến Ukraine để chở công dân Việt trở về trong bão dịch COVID-19. Toàn bộ chi phí của chuyến bay này được Chủ tịch Vingroup chi trả 100%.
Khi đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đang ở nóng nhất, Vingroup nhanh chóng tận dụng hạ tầng nhà máy ô tô của mình để sản xuất máy thở.
Ngay sau khi ký kết hợp đồng bản với hãng Medtronic để sử dụng thiết kế cho máy thở xâm nhập PB560, Vingroup cũng bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.
|
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thuê máy bay chở công dân về nước. |
Theo thỏa thuận hợp tác, VinSmart trở thành đối tác sản xuất linh kiện quạt thổi khí cung cấp cho các dòng máy thở của Medtronic PLC từ tháng 6. Đặc biệt, cấu phần quạt thổi khí được thiết kế, phát triển hoàn toàn bởi CTCP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart cùng Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast. Linh kiện này được đánh giá đạt độ hoàn thiện và chính xác tuyệt đối, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu toàn cầu.
Lô quạt thổi khí đầu tiên do hai bên hợp tác đã được xuất khẩu ngay trong tuần đầu tháng 8. Mục tiêu là đến hết năm 2020, Vingroup sẽ xuất khẩu 50.000 đơn vị quạt thổi khí sang Mỹ và Ireland, đáp ứng nhu cầu sản xuất máy thở đang rất cấp bách của Medtronic.
Và chỉ đầu tháng 5, Tập đoàn này đã tặng 2.400 máy thở cho Nga và Ukraina.
Với những đóng góp trên, tạp chí Forbes đã vinh danh tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng với quỹ từ thiện Thiện Tâm của Vingroup đã quyên góp 77 triệu USD trong năm nay cho các hoạt động cứu trợ COVID-19, cũng như cấp học bổng giáo dục và hỗ trợ các chương trình chăm sóc sức khỏe trên khắp đất nước.
Quỹ từ thiện của ông Vượng hướng đến việc giúp đỡ những người nghèo ở Việt Nam, trao học bổng cho những trẻ em kém may mắn và chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người không có khả năng chi trả. Quỹ cũng xây dựng nhà ở, trung tâm y tế, thư viện và cơ sở hạ tầng cho cộng đồng thu nhập thấp, đồng thời cung cấp dịch vụ cứu trợ thiên tai.
Riêng tập đoàn Vingroup của ông Vượng đã ủng hộ 55 triệu USD cho nhiều hoạt động phòng chống COVID-19 như cung cấp máy thở và nhiều thiết bị khác cho các tổ chức y tế.
Trong giai đoạn 2006-2019, Quỹ Thiện Tâm đã chia sẻ tới cộng đồng 8.172 tỷ đồng. Bên cạnh các hoạt động trao học bổng, cứu trợ, quỹ này đã hỗ trợ bò giống cho 25.000 hộ nghèo, cận nghèo để tạo nguồn sinh kế; xây dựng 315 km đường giao thông nông thôn và đèn điện chiếu sáng; xây dựng 209 ngôi trường, lớp và nhà ở bán trú cho học sinh vùng khó khăn.