Hơn 10 năm nay, người dân địa phương quen thuộc với hình ảnh nhiều người xếp hàng đến sửa đồ tại tiệm sửa vali cũ nằm trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Đang cẩn thận sửa chiếc vali, ông Tài kể, trước đây gia đình ông sống bằng nghề may vá, sửa thời trang... Tuy nhiên, sau khi bố mẹ mất ông không còn theo nghề này mà chuyển sang nghề sửa vali.
|
Ông Tài đang cẩn thận sửa vali để kịp trả đồ cho khách trong ngày (Ảnh: Xuân Trường).
|
Ông Tài cho biết, nghề này không có bất kỳ trường lớp hay thợ thầy nào dạy cho mình. Do đó ngoài đam mê thì phải chịu khó tự mày mò, đầu tư bộ đồ nghề, vali... để nghiên cứu rồi thành nghề.
"Mới đầu mở tiệm ít ai biết đến nên rất ít khách. Nhưng khi có khách hàng tìm đến sửa một lần thì sau đó đều trở thành khách hàng thân quen. Từ những khách quen này họ lại giới thiệu bạn bè, người thân đến sửa vali", ông Tài bộc bạch.
Ông Tài cho hay, mùa cao điểm nhất là 2 tháng trước Tết Nguyên đán. Thời gian này mang lại nguồn thu nhập khấm khá nhất. Mùa này tiệm sửa vali thu hàng chục đến cả trăm triệu đồng.
"Đa số khách hàng chủ yếu là công nhân, người lao động xa quê. Họ không có điều kiện mua vali mới nên sửa vali cũ để về quê. Một số khách hàng địa phương thì họ sửa những vali hàng hiệu hoặc chiếc vali đó có nhiều kỷ niệm với họ", ông Tài chia sẻ.
|
Nghề sửa vali đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, sự tỉ mẩn và có tầm nhìn dài hạn thì mới sống được với nghề (Ảnh: Xuân Trường).
|
Tùy thuộc mức độ hỏng của sản phẩm, thông thường ông Tài chỉ lấy tiền công từ 50.000-150.000 đồng/vali. Trung bình mỗi ngày ông Tài thu nhập khoảng 1 triệu đồng.
Trong quá trình sửa vali, ông Tài luôn cố gắng giữ lại những phần còn sử dụng được, chỉ thay mới những phần đã vỡ hoặc không thể sửa được nữa. Ông coi đó mới là nghề thủ công thực sự, thể hiện được sự tận tụy của người thợ với nghề.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của nghề này là công đoạn tìm kiếm phụ tùng phù hợp với từng sản phẩm để thay cho khách. Không ít trường hợp vì không tìm ra phụ tùng phù hợp để phục chế sản phẩm.
"Nhiều vali sản xuất đã lâu nên hiện nay không còn phụ tùng mới để thay thế. Với những hàng này tôi phải chế tạo, lắp ghép nhiều phụ tùng lại với nhau mới hoàn thành sản phẩm theo ý khách", ông Tài trải lòng.
|
Để nhiều người biết đến dịch vụ sửa Vali, ông Tài đăng tải thông tin lên mạng xã hội (Ảnh: Xuân Trường).
|
Để mở thêm cửa tiệm mới trong năm nay, ông Tài đang đăng thông tin tuyển người đến học nghề. Sau khi truyền nghề ông sẽ giữ lại làm việc tại tiệm với thu nhập cao.
Ông Tài chia sẻ thêm, nghề này không đòi hỏi đầu tư nhiều vốn, nhưng đòi hỏi tay nghề, sự tỉ mẩn của người thợ. Những thợ theo nghề phải có tầm nhìn dài hạn còn mới làm mà đòi hỏi có ngay thu nhập cao thì không thể sống được với nghề.
Đến nhận vali đã sửa xong, anh Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi), công nhân quê ở Hà Tĩnh chia sẻ, anh biết đến tiệm sửa vali này nhờ bạn bè giới thiệu.
"Đến đây sửa một lần thấy ông chủ nhiệt tình, cẩn thận, sản phẩm sau khi sửa rất vừa ý nên tôi thường xuyên ghé sửa. Thời gian qua tôi cũng hay giới thiệu cửa tiệm này cho đồng nghiệp, người thân khi họ có nhu cầu sửa vali", anh Tuấn nói.