Lãnh đạo bị khởi tố và loạt ‘lùm xùm’ liên quan
Cụ thể, ông Bùi Quang Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đắk Lắk bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra năm 2002 - 2012 tại Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (tiền thân của Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk), theo quyết định số 104/QĐ-CSĐT ngày 17/4/2024 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, trong năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã khởi tố bị can đối với ông Văn Đức Lư (69 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty cao su Đắk Lắk) và ông Võ Tiến Hùng (56 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Kỹ thuật kế hoạch đầu tư Cao su Đắk Lắk) cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Vào năm 2007, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk lập tờ trình và được UBND tỉnh Đắk Lắk cho nhập giống cây cao su từ viện nghiên cứu Malaysia về. Công ty TNHH cao su Huỳnh Phước (trụ sở TP.HCM) được Cao su Đắk Lắk chọn là đối tác cung cấp 1,5 triệu loại cây giống cao su với đơn giá 1,2 USD/cây (đã bao gồm thuế VAT), tổng giá trị hợp đồng là 1,89 triệu USD, thời hạn giao 3 năm (từ năm 2008 - 2010).
Công ty TNHH cao su Huỳnh Phước đã giao được 14 đợt, tổng cộng chỉ được 447.078 cây cao su giống, tuy nhiên khi kiểm đếm thì có 118.672 cây không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bị hư hỏng.
Đến ngày 9/12/2010, Công ty Cao su Đắk Lắk đồng ý chịu một nửa kinh phí, chia sẻ rủi ro với Công ty TNHH cao su Huỳnh Phước đối với 118.672 cây đã bị hư hỏng, tương đương số tiền gần 1,4 tỷ đồng.
Ngoài vụ án giống cây cao su, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk còn thụ lý điều tra vụ môi giới bán mủ cao su hưởng phần trăm hoa hồng lên đến hơn nửa triệu đô la, cũng xảy ra tại Công ty Cao su Đắk Lắk.
Theo cơ quan công an, từ năm 2009 - 2011, Công ty Cao su Đắk Lắk đã ký ba hợp đồng nguyên tắc, nhờ Công ty TNHH Huỳnh Phước môi giới bán mủ cao su, chiết khấu môi giới 2 - 3%.
Cụ thể, tại hợp đồng nguyên tắc số 18 (ngày 20/3/2009), số hàng đã giao dịch hơn 1.128 tấn, doanh thu đạt hơn 2,5 triệu USD, Công ty TNHH Huỳnh Phước được chiết khấu môi giới 3%, tương đương với số tiền hơn 75.276 USD.
Hợp đồng nguyên tắc số 71 (ngày 9/11/2009), số hàng đã giao dịch hơn 3.548 tấn, doanh thu hơn 11,7 triệu USD, chiết khấu môi giới 3% trả cho Công ty TNHH Huỳnh Phước hơn 353.677 USD.
Hợp đồng nguyên tắc số LT03 (ngày 5/1/2011), số hàng đã giao dịch là hơn 1.370 tấn, doanh thu đạt hơn 6,2 triệu USD, chiết khấu môi giới 2% chi trả cho Công ty TNHH Huỳnh Phước hơn 115.698 USD.
Kinh doanh khó khăn, lợi nhuận giảm đến 1/3
Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk tiền thân là Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, đi vào hoạt động từ 15/11/2010. Ngày 22/4/2016, công ty được cổ phần hóa theo quyết định số 1126/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk, đồng thời đổi tên thành Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk.
Vốn điều lệ hiện nay của Cao su Đắk Lắk là 1.558 tỷ đồng, các công ty thành viên trong Tập đoàn gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Cao su Đăknoruco, Công ty TNHH Phát triển Cao su Đắk Lắk - Mondolkiri; hai công ty liên kết, là Công ty Cổ phần Kỹ thuật Cao su và Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su Đắk Lắk.
Theo BCTC hợp nhất năm 2023 của Cao su Đắk Lắk, tính đến ngày 31/12/2023, công ty còn khoản nợ phải trả hơn 785 tỷ đồng, giảm gần 100 tỷ so với hồi đầu năm (884 tỷ). Doanh thu năm 2023 đatk 969,41 tỷ đồng, tương đương 81,06% cùng kỳ năm 2022.
Trong năm 2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Cao su Đắk Lắk giảm gần một nửa, từ 95,02 tỷ xuống còn 50,53 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận khác lại tăng cao gấp 3 lần, từ 7,18 tỷ năm 2022 lên 23,59 tỷ đồng. Tổng kết, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt hơn 52 tỷ đồng, chỉ bằng 67% của năm 2022.
Theo Cao su Đắk Lắk, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế khiến mặt hàng chỉ thun có sản lượng tiêu thụ đầu ra giảm đáng kể, dẫn đến doanh thu từ sợi chỉ thun giảm 121 tỷ đồng, vùng với đó tại một số thời điểm trong năm, giá mủ cao su trên toàn thế giới giảm khiến doanh thu năm 2023 của cả Tập đoàn giảm đến gần 33% so với năm trước.