Trưng bày bộ tranh tượng trị giá tỉ đô

Google News

Sự kiện 1.400 tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp được phát hiện trong một căn hộ tồi tàn tại thành phố Munich (Đức) đã gây sửng sốt cho thế giới. 

Tranh của các danh họa nổi tiếng đều có mặt, ngoài ra còn nhiều tác phẩm nghệ thuật gọi là “Nghệ thuật suy đồi” (Degenerate Art) bị Đức Quốc xã tịch thu. Và nay, một số tác phẩm được mang ra trưng bày lần đầu.
Trưng bày để tìm lại các chủ nhân thực
 Bức Sturmische See (Stormy sea, 1873) của Edouard Manet
Chủ nhân của bộ sưu tập là Cornelius Gurlitt (80 tuổi), con trai của Hildebrand Gurlitt, một chuyên gia sưu tập tranh từng làm việc cho Đức Quốc xã. Hildebrand Gurlitt tuyên bố các tác phẩm ông ta cất giữ đã bị bom đồng minh phá hủy khi sắp kết thúc Thế chiến 2, nhưng không rõ tại sao con ông ta lại có chúng, không chỉ vài bức mà cả ngàn bức.
Cornelius Gurlitt không bị bắt. Nhiều nhà thẩm định nghệ thuật tin rằng các bức tranh, phác thảo và tượng được phát hiện đã bị Đức Quốc xã lấy từ các nhà sưu tập và buôn tranh người Do Thái.
Đầu tháng 10/2017, lần đầu tiên những người yêu nghệ thuật được thưởng lãm một phần của bộ sưu tập tưởng như đã bị mất đi vĩnh viễn này.
Khoảng 400 tác phẩm được trưng bày tại phòng trưng bày Bundeskunsthalle ở thành phố Bonn của nước Đức và viện bảo tàng Kunstmuseum Bern ở Thụy Sĩ. Triển lãm còn giới thiệu các bức ảnh và tư liệu hiếm, cho thấy một góc nhìn khác về một giai đoạn lịch sử bi thảm của nước Đức.
“Dưới góc độ con người, chúng ta cần xem lịch sử của nghệ thuật cũng chính là lịch sử của một đất nước - Rein Wolfs, đồng phụ trách cuộc trưng bày tại Bonn nói - Đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật được làm một cách có hệ thống và có vai trò rất quan trọng trong nước Đức Hitler.
Nhưng nghệ thuật không bao giờ biến mất, lịch sử có thể sang trang nhưng tác phẩm vẫn còn như một chứng nhân. Nhiều bức tranh trưng bày tại Bonn không chỉ có chất lượng cao mà còn đậm chất nhân bản, ví dụ bức tranh Waterloo Bridge của Claude Monet”.
Bức tranh Waterloo Bridge vẽ café bãi biển ở Zandvoort năm 1934 của Max Beckmann. Sử gia nghệ thuật Meike Hoffmann nhận định: “Chứng kiến những kiệt tác mà chúng ta tưởng là không có trên đời do không có trong hồ sơ lưu trữ và thấy chúng còn nguyên vẹn, tôi cảm thấy hạnh phúc ngập tràn”. Những người yêu hội hoạ khác chắc cũng có tình cảm như thế.
Bức Die Verschleierte (The veiled figure), vẽ năm 1926 bởi Otto Griebel 

Bức Waterloo Bridge (1903) của Claude Monet 
Kho báu trị giá 1 tỉ USD là do... ăn cắp mà có
Trong suốt 2 thập niên 1930 và 1940, hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã đánh cắp từ nhiều gia đình Do Thái hoặc họ phải bán thốc bán tháo với giá rẻ mạt trước khi đào thoát khỏi nước Đức.
Các nhà nghiên cứu được chính phủ Đức tài trợ đã bỏ ra nhiều năm để truy tìm hàng trăm tác phẩm nghệ thuật mà họ tin rằng gia đình Gurlitt đang giữ hay đã bán đi. Nhưng do việc sang tay không có hồ sơ và xuất lậu nên truy tìm nguồn gốc của chúng là hết sức khó khăn.
Có bức tranh của danh họa Picasso bị ăn cắp bán được 45 triệu USD. “Đó là thời đại lừa đảo – bà Andrea Baresel-Brand, người cầm đầu dự án truy tìm tác phẩm nghệ thuật liên quan đến Gurlitt bắt đầu từ tháng 1/2016 nói - Những con buôn nghệ thuật như Gurlitt cũng là bậc thầy về che giấu và đánh lừa kẻ truy tìm họ”.
Bà và các cộng sự đã thẩm định 735 tác phẩm phát hiện được trong căn hộ của con trai Gurlitt và đang thẩm định hàng trăm tác phẩm khác. Wolfs hy vọng cuộc trưng bày sẽ giúp có thêm người đứng ra chứng minh đó là tài sản của họ bị đánh cắp.
Năm 2013, trong một cuộc phỏng vấn báo chí, Ekkehart, em họ của Cornelius Gurlitt mô tả anh họ mình như “chàng cao bồi đơn độc” (lonesome cowboy). Ông khẳng định gia đình không biết gì về “kho báu” nghệ thuật Gurlitt cất giấu trong căn hộ của mình.
Tác phẩm Badende (Bather) của Edgar Degas 
Chính phủ Đức cũng thế, cho đến khi lục soát ngôi nhà của Gurlitt trong cuộc điều tra trốn thuế năm 2012. Cảnh sát tin rằng, nhiều tác phẩm đã được bán đi, thất lạc hay bị phá hủy. Những gì còn lại hoàn toàn chưa được thế giới nghệ thuật biết đến.
“Tổng số tịch thu gồm 121 tác phẩm có khung và 1.285 không có khung. Sơn dầu, màu nước, mực Ấn Độ, chì, mộc bản và in đều có đủ.
Có chứng cứ đa số là đồ ăn cắp hoặc bị tịch thu trong chiến dịch tiêu hủy nghệ thuật suy đồi – công tố Reinhard Nemetz nói - Kho báu vừa phát hiện này rất lớn”. Tính sơ khởi cho thấy giá trị trên thị trường có thể lên đến 1 tỉ USD nếu kho báu được mang bán đấu giá.
Trong số tác phẩm bị thu giữ, tác phẩm nào chứng minh được không phải đồ ăn cắp thì trả lại cho Gurlitt. Nhưng chỉ một tháng sau, ông ta qua đời nên chúng được chuyển cho viện bảo tàng Kunstmuseum Bern.
Theo LÊ TÂY SƠN/GD&TĐ

>> xem thêm

Bình luận(0)