Trúng 7 gói thầu hơn 1.000 tỷ trong 1 ngày, Bus Bảo Yến là ai?

Google News

Bus Bảo Yến trúng 7 gói thầu hơn 1.000 tỷ trong 1 ngày có trụ sở ở Đông Anh (Hà Nội), do ông Nguyễn Anh Tuấn là giám đốc.

Thông tin Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến (Bus Bảo Yến) là nhà thầu tham dự duy nhất, trúng 7 gói thầu tương ứng với 7 tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội, với tổng giá trúng là 1.049,459 tỷ đồng, đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Trung 7 goi thau hon 1.000 ty trong 1 ngay, Bus Bao Yen la ai?
Bus Bảo Yến trúng 7 gói thầu hơn 1.000 tỷ chỉ trong 1 ngày. (Ảnh minh họa). 
Bus Bảo Yến là ai?
Tìm hiểu của phóng viên, Bus Bảo Yến được thành lập theo giấy phép đăng ký kinh doanh số 0102004804 do Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 15/4/2002. Vốn điều lệ tính đến thời điểm hiện tại là 170 tỷ đồng.
Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Bus Bảo Yến là ông Nguyễn Anh Tuấn.
Theo giới thiệu, Bus Bảo Yến có chức năng hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ như: Vận tải hàng hóa, vận tải hành khách công công bằng xe buýt, vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hợp đồng… và trong một số lĩnh vực khác như: sản xuất, kinh doanh dịch vụ….
Năm 2020, doanh nghiệp này mở rộng lĩnh vực lữ hành, lấy tên là Bảo Yến Travel. Văn phòng đại diện được đặt tại số 15 ngõ 2, Thọ Tháp, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Trung 7 goi thau hon 1.000 ty trong 1 ngay, Bus Bao Yen la ai?-Hinh-2
Giám đốc Bus Bảo Yến là ông Nguyễn Anh Tuấn. (Ảnh:baoyenbus.com).
Đến thời điểm hiện tại, Bus Bảo Yến đã có gần 400 đầu phương tiện từ 16 đến 47 chỗ ngồi. Doanh thu năm 2018 là hơn 437 tỷ đồng, năm 2019 là 486 tỷ đồng, năm 2020 là 479 tỷ đồng.
Lùm xùm hợp đồng xe 50 chỗ, vận hành xe 47 chỗ
Trước đó, tháng 6/2021, thông tin trên báo Người lao động phản ánh việc 2 đơn vị kinh doanh xe buýt (xin được không nêu tên) cho rằng, chất lượng phương tiện trên 2 tuyến số 1 và 65 (thuộc 4 tuyến mà Liên danh Bảo Yến - HTX số 28 vừa trúng thầu) không đúng như hồ sơ mời thầu, vi phạm Luật đấu thầu.
Cụ thể, tờ báo này dẫn thông tin phản ánh, từ ngày 1/5/2021, Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM bàn giao gói thầu 4 tuyến xe buýt gồm: tuyến số 1, 15, 65 và 152 cho đơn vị trúng thầu là Liên danh Bảo Yến - HTX số 28. Liên danh Bảo Yến - HTX số 28 sẽ đảm nhận khai thác 4 tuyến trong thời hạn 5 năm (kể từ ngày 1/5), giá gói thầu là 130 tỷ đồng, trong đó 3 tuyến gồm tuyến số 1, 65 và 152 được đầu tư sử dụng 42 xe mới 100%; riêng tuyến 15 sử dụng 12 xe cũ.
Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ mời thầu do Trung tâm phát hành thì có sự sai lệch về yêu cầu phương tiện.
Cụ thể, trong hồ sơ mời thầu yêu cầu tuyến số 1 sử dụng 12 xe có sức chở 50 chỗ nhưng khi trúng thầu, Liên danh Bảo Yến - HTX số 28 lại sử dụng xe có sức chở 47 chỗ. Tương tự, tuyến số 65, trong hồ sơ mời thầu yêu cầu sử dụng 17 xe có sức chở 50 chỗ nhưng thực tế liên danh trên cũng vận hành xe có sức chở chỉ 47 chỗ.
Thời điểm đó, trả lời báo Người lao động, đại diện Liên danh Bảo Yến - HTX số 28, ông Trần Nguyên Thái - Giám đốc điều hành Bus Bảo Yến (Chi nhánh phía Nam) lại cho rằng, sau khi ký hợp đồng với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vào ngày 19/2/2021, Công ty tiến hành đặt hàng mua xe từ Trung Quốc nhưng do dịch diễn biến phức tạp, các quốc gia cung cấp thiết bị để lắp ráp ôtô buýt bị ảnh hưởng, chính sách nhập khẩu, nhập cảnh bị thắt chặt nên Bảo Yến không nhập khẩu kịp phương tiện buýt 50 chỗ như hồ sơ mời thầu.
"Ðể bảo đảm thời gian khai thác đúng như hợp đồng, chúng tôi phải làm việc với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố và đề xuất dùng tạm phương tiện có chủng loại tương đương (về thông số kỹ thuật, kích thước, đặc tính…) vận hành cho tuyến số 1 và 65 với 29 xe đóng mới nhưng sức chở chỉ 47 chỗ thay vì 50 chỗ; đồng thời cam kết đến ngày 1/9 sẽ đưa buýt 50 chỗ vào vận hành như hợp đồng. Đề xuất này được trung tâm đồng ý", ông Thái giải thích thêm...
Như báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội vừa lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đối với 7 tuyến trên địa bàn thành phố trong 5 năm tới, với tổng dự toán 1.049,713 tỷ đồng.
Tại 7 gói thầu tương ứng với 7 tuyến xe buýt có số hiệu từ 157 đến 163, sử dụng nguồn trợ giá từ ngân sách TP.Hà Nội và nguồn vốn xã hội hóa, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, phát hành hồ sơ mời thầu qua mạng từ ngày 24/11 - 15/12/2021, nhưng duy nhất có Bus Bảo Yến là nhà thầu tham dự, với tổng giá trúng thầu là 1.049,459 tỷ đồng, giảm 254 triệu đồng so với giá gói thầu. Kết quả lựa chọn đã được Sở Giao thông vận tải Hà Nội phê duyệt.
Cụ thể, giá 7 gói thầu mà Bus Bảo Yến trúng lần lượt, gồm: Gói thầu số 157 Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây (251,884 tỷ đồng); Gói thầu số 158 Bến xe Yên Nghĩa - Khu đô thị Đặng Xá (212,455 tỷ đồng); Gói thầu số 159 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - Khu đô thị Times City (190,109 tỷ đồng); Gói thầu số 160 Kim Lũ (Sóc Sơn) - Nam Thăng Long (136,253 tỷ đồng); Gói thầu số 161 Cầu Giấy - Tam Hiệp (Thanh Trì) (60,631 tỷ đồng); Gói thầu số 162 Nhổn - Thọ An (Đan Phượng) (70,069 tỷ đồng); Gói thầu số 163 Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức (128,056 tỷ đồng).
Hợp đồng có thời hạn thực hiện trong 5 năm, áp dụng đơn giá điều chỉnh (trường hợp giá nhiên liệu có sự biến động thì nhà thầu sẽ được xem xét thanh toán bù trừ khoản chênh lệch chi phí nhiên liệu).
Yêu cầu đối với 7 gói thầu năm 2022 nói trên nhiên liệu sử dụng phải là khí CNG. Các nhà thầu khác không thể đáp ứng được yêu cầu này, và hiển nhiên Bus Bảo Yến đã trúng thầu với tư cách là nhà thầu duy nhất.

Đoàn Khang

>> xem thêm

Bình luận(0)