Việc làm là lạ này nhằm tránh cho cây tía tô ra hoa, chỉ phát triển thiên về lá, hái lá để bán sang Hàn Quốc...
Lão nông Nguyễn Duy Kính cho biết: Năm 2017, được sự giới thiệu của bạn bè ở xứ kim chi (Hàn Quốc) về việc trồng rau tía tô, ông đã thuê hơn 5 ha đất trồng thử nghiệm tía tô để xuất khẩu sang Hàn Quốc.
|
Lão nông Nguyễn Duy Kính, ấp Xuân Đông, xã Cẩm Mỹ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (trái), trao đổi kinh nghiệm trồng tía tô trên nông trại. |
Theo ông Kính, loại giống tía tô Hàn Quốc này trồng như các loại rau bình thường ở Việt Nam, cũng vỡ đất, bón phân, phun thuốc...
Tuy nhiên, những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm, nên ông "trồng mãi rau tía tô không lớn".
"Do chưa có kinh nghiệm trồng nên bình thường chỉ mất 2 tháng là cây tía tô có thể hái lá, nhưng tôi trồng đến 5 tháng vẫn chưa thu hoạch được. Tới khi thu hoạch thì phần lớn lá tía tô không đạt chuẩn xuất khẩu", ông Kính bộc bạch.
Sau khi tìm hiểu, lão nông này nhận thấy khí hậu ở Cẩm Mỹ nóng ẩm, trong khi ở Hàn Quốc lại khá lạnh.
Ông Kính khắc phục bằng cách tăng độ ẩm của đất ở mức phù hợp cho cây tía tô.
Do trồng tía tô chỉ lấy lá xuất khẩu, nên lão nông Kính cho biết, "bí quyết" nằm ở chổ đêm xuống phải chong đèn cho cây không "ngủ".
Theo đó, cây tía tô sinh trưởng đến khoảng tháng thứ 3 là ra hoa. Lúc này lá phát triển kém dần rồi tiến tới rụng hẳn.
Để ngăn cây tía tô ra hoa, ép ra lá, ông Kính phải đầu tư dàn đèn cao áp thắp sáng vào ban đêm, bắt cây tía tô thức không cho cây ngủ.
"Đêm xuống tôi phải chong đèn để cây tía tô "thức" rồi chỉ ra lá. Nếu không làm thế cây tía tô chỉ nuôi hoa. Cùng lúc, lá sẽ quăn lại và không thể xuất khẩu được", ông Kính chỉ vẽ.
|
Thu hoạch tía tô trên nông trại của gia đình ông Kính, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. |
Theo ông Kính, lá tía tô đủ chuẩn xuất khẩu khi thu hoạch phải có chiều ngang 8-13cm.
Và vì là tập trung xuất khẩu, nên lão nông này phải trồng rau tía tô theo phương phương pháp hữu cơ theo yêu cầu của đối tác Hàn Quốc.
Mọi công việc từ làm đất, gieo hạt giống, tỉa lá, bắt sâu, bón phân, thu hoạch… đều phải làm bằng tay.
Chính các yêu cầu trồng tía tô khắt khe này khiến ông Kính phải tốn khá nhiều nhân công.
Trung bình mỗi ngày thu hoạch lá tía tô, trên diện tích đất này, ông thuê mướn 25-40 nhân công. Mỗi nhân công hái trung bình 15kg lá tía tô/ngày.
Những đợt cao điểm, nguồn lá tía tô đạt tiêu chuẩn, ông Kính có thể thu 1 tấn lá tía tô/ngày.
Với cách thức trồng tía tô này, tính cho đến nay, ông Kính đã xuất khẩu hàng trăm tấn lá tía tô sang Hàn Quốc với giá khoảng 60.000 đồng/kg.
Ông tính, nếu trồng tía tô, mỗi năm có thể thu lãi khoảng nửa tỷ đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Văn Lực, cán bộ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, mô hình trồng lá tía tô của ông Kính là mô hình kinh tế mới của địa phương. Mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt. Tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Hiện, một số nhà vườn ở các xã: Xuân Đông, Xuân Tây đang trồng rau tía tô xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
|
Lá tía tô xuất khẩu phải đạt chuẩn ngang 8-13cm. Một tập lá tía tô đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hàn Quốc được trồng tại trang trại của gia đình ông Kính, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. |
"Đây là mô hình kinh tế mới và có nhiều triển vọng phát triển tại địa phương", ông Lực chia sẻ.
Ông Kính cũng cho biết, sẽ vận động nông dân địa phương cùng tham gia trồng rau tía tô. Bởi thị trường Hàn Quốc có nhu cầu mua rau tía tô với số lượng khoảng 20 tấn/ngày.