Mòn mỏi chờ thương lái đến bán cam “quạ”
Gia đình anh Thiều Sỹ Dũng (thôn 4, xã Hương Thủy) là một trong những hộ đang bị thiệt hại nặng nề khi phải xóa sổ gần 1.000 gốc cam chanh. Anh Dũng cho biết, năm 2012, anh mua 400 cây giống của ông Phan Văn Sơn (xã Phúc Đồng) và 576 cây giống từ Vườn ươm Việt (xã Hương Long) với giá 20.000 đồng/cây. Số giống này được trồng đến năm 2015 thì cho quả bói.
Tuy nhiên, trận lũ lịch sử năm 2016 đã nhấn chìm vườn cam của anh sâu tới 1m, sau đó, mặc dù gia đình ra sức chăm bón nhưng cam vẫn không cho quả. Mãi đến năm 2017, cam mới cho quả trở lại nhưng chỉ toàn quả cam dại và đến vụ quả năm nay cũng không khá hơn.
|
Gần 1.000 gốc cam của gia đình anh Thiều Sỹ Hùng phải chặt phá để trồng mới. |
“Quả sần sùi đã đành, cây lại có dấu hiệu lụi tàn do vàng lá; bộ rễ dường như không phát triển. Bao nhiêu công sức, của cải chúng tôi bỏ vào đó, giờ coi như trôi sông trôi bể, thiệt hại ước tính hơn 400 triệu đồng" – anh Dũng nói.
Chung tình trạng đó, anh Thiều Sỹ Hùng (thôn 4, xã HươngThủy) chia sẻ: “Năm 2012, tôi mua 400 gốc cam của anh Tài ở Trung tâm Bảo tồn gen giống bưởi Phúc Trạch, tuy nhiên càng chăm bón cây càng mọc cao ngồng. Năm 2016 cam có lứa quả đầu tiên nhưng lại vỏ dày, ăn chua. Vụ quả này, tình trạng càng tệ hơn, tuy quả nhiều nhưng vỏ dày, khi ăn rất chua. Cả tháng nay tôi chỉ hi vọng có thương lái đến mua nhưng không có ai cả. Cam xấu thế này cho họ cũng không lấy đừng nói bán".
|
Cam kém chất lượng không bán được, nhiều hộ phải mang cam đi đổ. |
Nhìn vườn cam đến vụ thu hoạch nhưng không một bóng người đến hỏi mua, ông Phan Văn Trung (thôn 4, xã Hương Thủy) tâm sự: “Cam kém chất lượng, không thể tiêu thụ nên tôi đã phải thuê máy về phá bỏ hơn 100 gốc”.
Nuốt nước mắt phá “cam dại” để trồng mới
Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân Việt, riêng thôn 4 (xã Hương Thủy) có khoảng 20 hộ rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” như trên, hộ ít thì vài trăm gốc, nhiều thì cả ngàn gốc cam bị hỏng. Nhiều gia đình đã thuê máy về phá bỏ để trồng mới vườn cam hoặc bưởi.
Chị Phan Thị Hoa (thôn 4, xã Hương Thủy) nước mắt lưng tròng nói: “Cam kém chất lượng không bán được. Tôi đang phải thuê người chặt gần 1.000 gốc cây cam “dại” này để trồng mới. Hơn 4 năm chăm bẵm từng gốc xem như mất trắng”.
|
Để có giống mới trồng vụ tiếp theo, nhiều hộ gia đình đã mua bưởi về tự ghép. |
Để có giống mới trồng vụ tiếp theo, nhiều hộ gia đình đã mua bưởi về tự ghép. Ông Thiều Sỹ Hùng (thôn 4, xã Hương Thủy) buồn bã nói: “Tôi vừa mua gần 100 gốc bưởi Phúc Trạch về để ghép. Tôi sợ mua ngoài giống chất lượng kém lắm rồi".
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Bạch Đình Hữu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy cho biết: “Toàn xã có khoảng 10ha với hơn 5.000 cây cam cho quả kém chất lượng, cây không phát triển, tập trung ở thôn 1, 2, 4 và 7, gây thiệt hại lớn cho người trồng".
|
Chị Phan Thị Hoa (thôn 4, xã Hương Thủy) cho biết: "Tôi đang phải thuê người chặt gần 1.000 gốc cây cam “dại” này để trồng mới. Hơn 4 năm chăm bẵm từng gốc xem như mất trắng”. Ảnh: Q.N |
Hiện tại, nhiều hộ trồng cam xã Hương Thủy đang phá cam “dại” để trồng mới. Tuy nhiên, nếu không xác định rõ nguyên nhân và xử lý triệt để mầm bệnh thì khó có thể thay đổi được cục diện, đó là chưa kể đến việc virus sẽ lây lan rất nhanh sang các vùng cam khỏe mạnh. Để tránh lặp lại hậu quả đáng tiếc này, rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.
Ông Lê Quang Vinh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết: “Ngay sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo xã vào từng hộ, kiểm tra số lượng cụ thể cam kém chất lượng trên địa bàn. Vì số cam này đã trồng cách đây hơn 4 năm nên phải đi đến từng hộ để họ ký xác nhận mua giống của ai, trong quá trình lấy giống có giấy tờ xác nhận hay không để từ đó có cơ sở sau đó báo cáo về Phòng Nông nghiệp để phối hợp với đoàn kiểm tra, xác minh”.