Trồng cây mai vàng thành công tiêu biểu có mô hình vườn mai kiểng của gia đình chú Nguyễn Văn Kiên (Tư Kiên).
Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) áp dụng thực hiện.
Tại ấp Thạnh Thới, xã Đồng Sơn có nhiều hộ nông dân đã nhạy bén chuyển đổi những diện tích ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mai vàng, tiêu biểu có mô hình của gia đình chú Nguyễn Văn Kiên (Tư Kiên).
Chú Tư Kiên cho biết, chú theo nghề trồng cây mai vàng đã được 20 năm, những ngày đầu đi làm thuê cho những vựa cây kiểng tại tỉnh Long An.
Thời gian này, chú đã tranh thủ học hỏi được những kinh nghiệm trồng mai, kỹ thuật trồng mai, kỹ năng chọn lựa cây, xử lý tạo dáng và cho cây mai vàng ra tán lá tròn đều, bông nhiều đẹp mắt.
Đến nay, chú Tư Kiên đã có được hơn 6 công đất vườn mai với trên 2.000 cây mai vàng đủ kích cỡ từ trung bình đến lớn.
Trong năm, chú chăm sóc, bón phân, tưới nước tỉa hình tạo dáng cho cây, đến khoảng đầu tháng 12 âm lịch, chú chọn ra những cây đạt tiêu chuẩn, chất lượng và tiếp tục xử lý cho cây rụng lá, đẩy nụ hoa mai phát triển đồng đều và sẽ đưa đi tiêu thụ khắp nơi ở tỉnh Long An, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh (tại các chợ hoa).
Chú Nguyễn Văn Kiên (Tư Kiên), nông dân trồng mai vàng chưng Tết ở xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Vườn mai vàng của chú Kiên mỗi năm cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng.
Tùy kích cỡ mà cây mai vàng được bán với nhiều giá khác nhau, nhưng với chú Kiên thì để phục vụ nhu cầu trang trí cây mai vàng trong dịp Tết.
Chú Kiên luôn quan niệm, trong trồng mai vàng, kinh doanh mai vàng thuận mua vừa bán và tuyệt đối không nói thách, không nâng giá, để mọi khách hàng khắp nơi đều có thể dễ dàng sở hữu những cây mai vàng của gia đình chú.
Sau khi bán đi những đợt cây mai vàng ngày Tết, chú lại tiếp tục bổ sung vào vườn mai những cây kế tiếp để mùa xuân năm sau cung ứng cho thị trường mai vàng khắp nơi.
Cũng từ nghề trồng cây mai vàng mà gia đình chú Tư Kiên có điều kiện xây dựng được nhà cửa khang trang và mở rộng thêm nhiều diện tích đất để trồng thêm số lượng lớn mai vàng.
Ước tính trung bình nguồn thu nhập từ việc bán cây mai vàng của gia đình chú khoảng 500 triệu đồng/năm.
Chú Tư Kiên bộc bạch, nghề trồng cây mai vàng tuy có thu nhập cao nhưng cũng rất vất vả vì cây mai vàng thường bị sâu đục thân, sâu ăn lá, nên phải thường xuyên phun xịt các loại thuốc đặc trị kịp thời.
Ngoài ra, cây mai vàng cần phải có lượng nước tưới phù hợp và phải là nước ngọt, nếu nguồn nước bị nhiễm mặn cây sẽ bị hư rễ, vàng lá...
Không chỉ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên nền đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, chú Tư Kiên còn tận tình hướng dẫn cho nhiều hộ nông dân khác trong ấp cùng phát triển và nhân rộng mô hình trồng cây mai vàng này.
Đến nay, toàn xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) đã có gần 20 ha diện tích trồng cây mai vàng nguyên liệu, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nhiều nông dân.
Từ đó, nghề trồng mai vàng chưng Tết góp phần đáng kể trong việc đa dạng hóa các mô hình sản xuất đúng theo tinh thần chủ trương, chính sách của Nhà nước phát động rộng rãi trong nhân dân.