Trái dứa ngọt bén rễ đất nghèo
Từ năm 2016 năm trở lại đây, nhận thấy cây dứa mật là loại cây trồng có chất lượng. Cây dứa "bén duyên" sau một thời gian rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đã đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Để cây dứa có chỗ đứng bền vững, chính quyền địa phương đã tích cực vận động để người dân xã Mường Nhà, huyện Điện Biên chuyển đổi đất trồng ngô, lúa nương sang trồng giống dứa mật.
Cây dứa mật dần trở thành cây trồng chủ lực giúp đồng bào vùng biên Mường Nhà xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên thì dứa Pu Lau đã đem lại cho người dân thu nhập cao, góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững.
UBND huyện đã có kế hoạch để xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP cho sản phẩm dứa Pu Lau. Tại các hội nghị ở huyện hay tỉnh dứa Pu Lau đã được đem đến để giới thiệu sản phẩm với khách mời trong và ngoài huyện. Hiện nay, tổng diện tích vùng trồng dứa tại bản Pu Lau là khoảng trên 60 ha.
Nông dân bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã có thu nhập cao từ trồng loại dứa mật. Ảnh Vinh Duy.
Cứ tờ mờ sáng, anh Vàng A Sống, bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên lại lên nương để thu hoạch dứa mang về bán cho các thương lái từ thành phố Điện Biên Phủ vào mua. Trước đây gia đình anh Sống thuộc hộ nghèo, thu nhập gia đình phụ thuộc vào cây lúa nương.
Từ năm 2016, anh đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1ha đất trồng lúa sang trồng giống dứa mật, hiện tại mỗi vụ dứa mang lại thu nhập hơn 40 triệu đồng, qua đó giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo.
Dứa Pu Lau, nổi tiếng thơm ngon, ngọt được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh Vinh Duy.
Theo ông Vàng A Tếnh, Bí thư Chi bộ bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên cho biết: "Từ năm 2017 trở lại đây, từ diện tích đất trồng ngô, sắn, hay lúa nương kém hiệu quả bà con đã chuyển đổi sang trồng cây dứa mật.
Cây dứa mật sinh trưởng phát triển rất tốt trên điều kiện đất, khí hậu địa phương. Nhiều hộ gia đình trồng được cây dứa mang lại nguồn thu chính và có dứa để bán, có nguồn thu các hộ gia đình trở lên khá giả, nhiều hộ đã thoát được nghèo.
Anh Vàng A Sống, bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên đã thoát nghèo từ trồng dứa mật. Ảnh Vinh Duy.
Hiện toàn xã Mường Nhà có trên 60ha đất trồng dứa. Dứa Mường Nhà được trồng trên các sườn đồi với đặc điểm quả to hơn các loại dứa bình thường, trung bình khoảng 2-3kg/quả, quả nhiều nước, mắt nông, ngọt, mép lá không có gai.
Thời gian thu hoạch từ cuối tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm. Mỗi cây dứa cho thu hoạch ổn định từ năm thứ 3 đến năm thứ 7.
Vì trồng theo hướng tự nhiên nên dứa mật Pu Lau chín thành nhiều đợt chứ không chín đại trà, không tạo sức ép mùa vụ quá lớn như các loại cây trồng khác. Đồng thời khi trồng dứa, người dân Pu Lau không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng dứa sạch.
Dứa Pu Lau quả to, thơm ngon hơn bất cứ loại dứa nào trồng trên đất Điện Biên. Ảnh Vinh Duy.
Mường Nhà tìm ra cây mũi nhọn giảm nghèo, tăng giàu
Ông Lò Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà, huyện Điện Biên cho biết: Toàn xã Mường Nhà hiện có trên 60ha điện tích đất trồng cây dứa mật, tập trung nhiều tại bản Pu Lau khoảng 50ha.
Nhân thấy giá trị kinh tế mà cây dứa mật bà con đã chuyển đổi mục đích cơ cấu cây trồng từ sắn, lúa sang trồng dứa.
Thu nhập bình quân của nông dân bản Pu Lau từ cây dứa, nhà nào trồng nhiều cũng cho thu nhập gần 100 triệu, nhà trồng ít cũng được hơn 30 triệu đồng/năm.
Cây dứa mật đã giúp bà con địa phương xóa đói giảm nghèo, tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống.
Hiện nay giống dứa mật đã được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả nhằm giúp người dân Mường Nhà nâng cao thu nhập.
Theo định hướng của chính quyền xã, trong năm 2023, xã sẽ mở rộng diện tích thêm 20 đến 30ha đất trồng dứa.
Sau khi thu hoạch dưa, nông dân không phải đem ra chợ để bán mà thương lái từ Thành phố Điện Biên Phủ vào tận nơi để thu mua. Ảnh Vinh Duy.
Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trồng dứa, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và đặc biệt là mục tiêu sản xuất 100% theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm dứa Mường Nhà trở thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.