Áp dụng rộng rãi mô hình IPM trên cây bưởi
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ, từ năm 2022, huyện Đoan Hùng đã triển khai mô hình quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp (IPM) trên cây bưởi Chí Đám, bưởi Bằng Luân, bưởi Diễn với diện tích 3,5-5ha/điểm, tại các xã trọng điểm phát triển cây bưởi như xã: Vân Đồn, Chân Mộng, Chí Đám, Hùng Xuyên, Bằng Luân.
Tham gia mô hình, nông dân áp dụng các nguyên tắc của IPM là: Sử dụng giống tốt, cây trồng khỏe; trực tiếp điều tra, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, dịch hại và các yếu tố ngoại cảnh tác động đến cây trồng; tự phân tích, thảo luận và lựa chọn biện pháp kỹ thuật phù hợp nhất cho cây trồng ở từng giai đoạn; thực hành các biện pháp làm cỏ, bón phân và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp…
Ngoài ra, các hộ dân cũng được hướng dẫn cách ngâm tỏi, ớt, gừng để phòng trừ sâu hại... Đối với làm cỏ, người dân tăng cường phát cỏ bằng máy và thủ công nhằm tạo các thảm cỏ trong vườn để giữ ẩm cho vườn trong mùa khô, chống xói mòn trong mùa mưa; cung cấp thêm chất mùn cho vườn để cải tạo đất, giúp đất tơi xốp hơn, tạo nơi cư trú và sinh sống của nhiều loại côn trùng có ích.
Tại các xã triển khai mô hình IPM, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ cũng mở các lớp tập huấn, tuyên truyền; cử cán bộ thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ cách điều tra, phát hiện và thống nhất biện pháp phòng trừ đồng thời chia sẻ thông tin sản phẩm phân bón, thuốc BVTV được phép sử dụng trong sản xuất bưởi để lựa chọn sử dụng.
Đối với kết nối, tiêu thụ sản phẩm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ phối hợp với các chủ thể tham gia mô hình thiết kế tem điện tử truy xuất nguồn gốc và hộp đựng sản phẩm để giới thiệu quảng bá sản phẩm, kết nối với đơn vị, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân…
Thu lãi gấp nhiều lần nhờ tham gia mô hình IPM trên cây bưởi
Sau hơn một năm thực hiện, kết quả cho thấy vườn bưởi thực hiện mô hình IPM có đối tượng sâu bệnh gây hại nhẹ hơn, số lần cần phun thuốc BVTV ít so với vườn bưởi trồng, chăm sóc theo tập quán. Nhờ vậy, vườn bưởi thực hiện IPM đã giảm chi phí sản xuất và giảm tỷ lệ quả bị nám, khô tôm, múi do sâu bệnh gây ra.
Đặc biệt, quả bưởi chín khi thu hoạch có mẫu mã to, đẹp đồng đều; khi bóc ra có tôm, múi to, mọng, thơm, ngọt; giá bán cao hơn, làm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích trồng bưởi. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón kết hợp hữu cơ và hóa học cũng giúp giảm chi phí phân bón, giảm độ thoái hóa, bảo vệ độ phì của đất, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho biết, mô hình quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp IPM là quy trình sản xuất, quản lý cây trồng, quản lý dịch hại trong khung cảnh cụ thể của môi trường và những biến động quần thể của các loài gây hại, sử dụng tất cả các kỹ thuật và biện pháp thích hợp có thể được, nhằm duy trì mật độ của các loài gây hại ở dưới mức gây ra những thiệt hại kinh tế.
"Triển khai thực hiện mô hình IPM không phải là một quy trình mà các nhà kỹ thuật chỉ cần khuyến cáo cho nông dân thực hiện là xong, vấn đề là phải chuyển giao cho nông dân các kỹ năng, phương pháp để giải quyết những khó khăn, tự đưa ra những quyết định đúng đắn cho ruộng vườn của mình" - ông Đạo nhấn mạnh.
Ông Đạo cho biết thêm, qua đánh giá kết quả mô hình IPM trên cây bưởi tại huyện Đoan Hùng cho thấy, năng suất, chất lượng và mẫu mã quả bưởi nâng cao rõ rệt. Tại các vườn bưởi tham gia mô hình IPM tỷ lệ quả loại A đều đạt từ 70-75%, so với các vườn đối chứng chỉ đạt 60-65%. Đặc biệt là giảm đáng kể hiện tượng khô múi, khô quả trên các giống bưởi.
Về năng suất, giống bưởi Bằng Luân có tổng doanh thu đạt 400 triệu đồng/ha (cao hơn các vườn đối chứng 150 triệu đồng/ha); lãi thu được là 222 triệu đồng/ha, nhiều hơn vườn đối chứng 82 triệu đồng/ha.
Giống bưởi Sửu có tổng doanh thu đạt 850 triệu đồng/ha (cao hơn các vườn đối chứng 594 triệu đồng/ha); thu lãi 667 triệu đồng/ha, nhiều hơn vườn đối chứng 186 triệu đồng/ha.
Đối với giống bưởi Diễn, tổng doanh thu đạt 340 triệu đồng/ha (cao hơn các vườn đối chứng 52 triệu đồng/ha); thu lãi đạt 222 triệu đồng/ha, cao hơn vườn đối chứng 52 triệu đồng/ha.
Trên mỗi sản phẩm quả bưởi trước khi xuất bán được dán tem nhận diện sản phẩm sử dụng mã QR Code giúp người tiêu dùng, cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng tra cứu thông tin về sản phẩm, từ đó nâng cao ý thức của người sản xuất với sản phẩm bưởi trước khi dán tem đưa ra tiêu thụ.
"Từ hiệu quả mô hình IPM trên cây bưởi ở Đoan Hùng, thời gian tới, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn bà con mở rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật chăm sóc bưởi thâm canh theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã của quả bưởi; đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng bưởi. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh bưởi trên địa bàn để giữ vững và phát triển thương hiệu bưởi Đoan Hùng, đưa cây bưởi trở thành một trong những cây trồng chủ lực, hướng tới xuất khẩu với số lượng lớn hàng năm" - ông Đạo nói.
Huyện Đoan Hùng hiện có trên 2.700ha trồng bưởi, trong đó có hơn 1.400ha bưởi đặc sản, tập trung nhiều tại các xã: Chí Đám, Bằng Luân, Hùng Xuyên, Hợp Nhất, Vân Đồn, Tây Cốc… Sản lượng bưởi có sự tăng trưởng rõ rệt từ 11.000 tấn (năm 2016) lên 29.000 tấn (năm 2022), giá trị sản phẩm ước đạt 350 tỷ đồng.
Bình quân mỗi hecta bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa và gấp 30 lần trồng cây lâm nghiệp, gấp 5 lần trồng chè. Giá trị sản phẩm mang lại từ cây bưởi đặc sản tăng trên 5%/năm, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp của huyện.
Đến nay, toàn huyện đã có trên 100ha bưởi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, gần 1.050ha đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP), có hơn 250ha được cấp mã số vùng trồng...