Không chỉ là cán bộ năng nổ, nhiệt tình, chị Trần Thị Hiền, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tây Sơn, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) còn tích cực, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động ở thôn, nhất là phong trào phát triển kinh tế thông qua mô hình trồng ba kích lấy củ.
Chị Trần Thị Hiền, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tây Sơn, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) giới thiệu một chùm củ ba kích tím cỡ lớn.
Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, tháng 8/2019, qua tìm hiểu, chị Hiền biết đến mô hình trồng cây ba kích tím của một gia đình ở xã Liễn Sơn.
Hiểu được giá trị kinh tế loại cây dược liệu quý này mang lại, chị đã mạnh dạn thuê 1,2ha diện tích đất đồi rừng của một số hộ trong thôn và vay mượn anh, em trong gia đình 200 triệu đồng để mua cây ba kích giống về trồng.
Nhờ thực hiện tốt quy trình chăm sóc, sau 3 năm trồng, vườn ba kích tím của gia đình chị cho trái ngọt.
Đầu tháng 7/2023, chị Hiền thu hoạch lứa đầu tiên với hơn 7 tấn củ ba kích tím.
Chị xuất bán củ ba kích tím cho các công ty dược ở Bắc Giang, Hà Nội, Tuyên Quang với giá củ ba kích là 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 700 triệu đồng.
Chị Hiền chia sẻ, cầm số tiền 700 triệu đồng mà tôi vẫn ngỡ ngàng, bởi trồng cây ba kích đúng là làm chơi, ăn thật.
So với các cây trồng hay mô hình chăn nuôi khác thì trồng ba kích ít tốn công chăm sóc; phân bón cho cây ba kích chủ yếu là phân vi sinh, phân hữu cơ và rơm rạ hoai mục.
Đặc biệt đầu ra của sản phẩm củ ba kích được các công ty dược đến tận nơi thu mua, với giá thành ổn định.
Thời gian tới, chị Hiền sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ba kích; sẵn sàng hỗ trợ giống ba kích, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân trong thôn cùng tham gia thực hiện.
Cấp ủy, chi bộ thôn Tây Sơn xác định trồng ba kích tím là mô hình mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.