Mới đây, các đại lý cho biết nếu trưng bày và bán sản phẩm bia Saigon Chill của Sabeco, họ sẽ bị Heineken cắt khoản hỗ trợ hàng tháng từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Theo tìm hiểu của PV, Heineken được biết tới là cổ đông lớn của Sabeco từ sau khi doanh nghiệp này tiến hành IPO năm 2008. Ông lớn ngành bia đến từ Hà Lan này cũng từng nhiều lần đánh tiếng trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco khi Nhà nước thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.
|
Heineken từng thu hàng nghìn tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu Sabeco. |
Tuy nhiên, trong cuộc đấu giá cổ phần vào cuối năm 2017, Công ty TNHH Vietnam Beverage, một thành viên thuộc ThaiBev đã giành quyền kiểm soát Sabeco sau khi chi ra số tiền lên tới 5 tỷ USD. Mới đây, Bộ Công Thương đã chuyển giao 36% cổ phần còn lại tại Sabeco cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từ tháng 8.
Trước khi cấm đại lý bán bia Sabeco, Heineken từng thu lợi nhuận khủng t ừ Sabeco. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 14/10 vừa qua, ghi nhận giá trị giao dịch thỏa thuận khủng tại cổ phiếu SAB của Sabeco với hơn 26,6 triệu cổ phiếu sang tay bởi khối ngoại. Theo đó hơn 26 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco đã được mua bán thoả thuận ở mức giá 184.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch vào khoảng 4.600 tỷ đồng.
Nhiều khả năng bên bán là hãng bia Heineken bởi trước đó Bloomberg cho hay, ông lớn ngành bia này muốn bán 25,2 triệu cổ phần Sabeco với mức giá 184.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Heineken cũng đã bán 5,2 triệu cổ phiếu Sabeco với mức giá 234.400 đồng, thu về hơn 1.200 tỷ đồng.
Nhóm cổ đông liên quan Heineken mua cổ phần Sabeco từ năm 2017 và sở hữu hơn 5,13% - trở thành cổ đông lớn tại Sabeco trước thời điểm thoái vốn. Cuối năm 2019, họ giảm sở hữu xuống còn 4,32% và không còn là cổ đông lớn tại Sabeco.
Tại Việt Nam, dù là cổ đông của Sabeco nhiều năm nhưng Heineken đồng thời là đối thủ của hãng bia 145 năm tuổi Sabeco. Các sản phẩm mang thương hiệu Tiger cạnh tranh khá gay gắt với các sản phẩm mang thương hiệu Bia Sài Gòn.