Tranh chấp "ghế nóng" kéo dài
Bắt đầu từ Đại hội Đại cổ đông 2015, ông Lê Hùng Dũng rút khỏi ghế chủ tịch HĐQT. Và mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh giữa các nhóm cổ đông của Eximbank khi chọn thêm người vào ban quản trị.
Thời điểm này, NamABank đã cử người tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT của Eximbank, làm dấy lên nghi vấn Eximbank sẽ sáp nhập NamABank (Ngân hàng Nam Á).
|
Ông Lê Hùng Dũng, cựu chủ tịch HĐQT Eximbank. |
Tiếp đến Đại hội cổ đông năm 2016, tình hình cũng căng thẳng bởi những xung đột lợi ích giữ các nhóm cổ đông. Tình hình chỉ tạm thời êm dịu khi ĐHCĐ năm 2017, đa số các tờ trình đã được thông qua.
Theo tìm hiểu, ông Lê Minh Quốc trúng cử vào HĐQT ngân hàng Eximbank vào tháng 12/2015 với tư cách là thành viên HĐQT độc lập. Tiếp đó, ông Quốc được bầu giữ chức danh Chủ tịch HĐQT từ cuối năm 2015 cho đến khi xuất hiện vụ việc lùm xùm "thay tướng". Cựu CEO của NamABank là bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, sau đó không lâu, ông Quốc đã lên tiếng tố rằng quy trình này của Eximbank không đúng pháp luật và điều lệ. Ông Quốc khẳng định vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank. Đồng thời, ông Quốc có đơn đề nghị biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu dừng thực hiện nghị quyết này.
|
Ông Lê Minh Quốc mới bị bãi nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT Eximbank. Ảnh: Dân Việt.
|
Ngày 27/3, Toà án nhân dân TP HCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp, yêu cầu Eximbank tạm dừng việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng.
Đáp lại, Eximbank lên tiếng cho rằng, đã thực hiện quy trình miễn nhiệm và bổ nhiệm đúng luật. Ngân hàng này sẽ sử dụng các biện pháp hợp pháp, kiến nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.
Eximbank làm ăn ra sao?
Những "lùm xùm" về nhân sự tại Eximbank khiến dư luận tò mò về hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của ngân hàng này, đặc biệt là những năm gần đây, dưới thời cầm quyền của ông Lê Minh Quốc.
Theo báo cáo tài chính năm 2016, Eximbank đạt 390 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 6 lần năm 2015. Tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 128.000 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt hơn 86.000 tỷ đồng, tăng 2,5%. Tiền gửi của khách hàng đạt 102.000 tỷ đồng, tăng gần 4%, nợ xấu ghi nhận là 2.558 tỷ đồng, chiếm 2,94% tổng dư nợ (cao hơn mức 1,85% của đầu năm).
Năm 2017, tổng tài sản của Eximbank ghi nhận khi kết thúc năm 2017 là 149.000 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm đầu năm. Huy động vốn tăng 15,6%, đạt 117.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 17% so với năm 2016, đạt 101.300 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2017, nợ ngắn hạn của Eximbank đạt gần 47.000 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.118 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần năm 2016 và đạt 169% kế hoạch năm.
Thành tựu trên không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà bởi các hoạt động khác cũng như ngân hàng mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng như bán cổ phần tại Ngân hàng Sacombank.
Năm 2018, việc kinh doanh của nhà băng này không mấy khả quan. Đặc biệt là để xảy ra 2 vụ hàng trăm tỷ đồng của khách hàng "không cánh mà bay".
Cụ thể, trong trong quý II/2018, thông tin trên Vietnambiz, Eximbank phải cắt đi hơn 84% chi phí dự phòng mới giữ được tăng trưởng lợi nhuận trong quý II. Mặc dù tăng trưởng hơn 22% thu nhập từ lãi thuần nhưng do các hoạt động kinh doanh khác không mấy khả quan.
|
Hoạt động kinh doanh của Eximbank có nhiều biến động trong thời kỳ tranh chấp quyền lực. Ảnh internet. |
Cụ thể, lợi nhuận Eximbank tăng 3 quý đầu năm 2018 chủ yếu đến từ nguồn thu đột biến do việc thoái vốn khỏi Sacombank trong quý I/2018.
Thu nhập từ thoái vốn đối với khoản đầu tư này đã đóng góp vào lợi nhuận tổng cộng gần 648 tỷ đồng cho Eximbank, trong đó năm 2017 ghi nhận hơn 126 tỷ đồng vào lãi thuần và quý 1/2018 ghi nhận hơn 521 tỷ đồng vào lợi nhuận Eximbank.
Cả năm 2018, Eximbank báo lãi trước thuế chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2017, hoàn thành gần 51,7% chỉ tiêu đề ra.
Lãi từ hoạt động dịch vụ chỉ tăng nhẹ 4,7% đạt 347 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 18,1% đạt 269 tỷ. Hoạt động mua bán chứng khoán lỗ 116 tỷ; lãi từ hoạt động khác giảm 48% chỉ còn đạt 226 tỷ đồng.
Trong 3 năm (2016 - 2018), Eximbank mới chỉ xử lý được 1.900 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC. Kết thúc năm 2018, lượng nợ xấu tại VAMC vẫn còn tới 3.351 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ cho vay.
Giữa "lùm xùm" về thay đổi nhân sự, ngân hàng này vừa phát đi thông cáo báo chí, trong đó khẳng định tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng từ đầu năm 2019 đến nay vẫn tăng trưởng ổn định và bền vững.
Huy động vốn Tổ chức Kinh tế & Dân cư tăng 3,2% so đầu năm; Lợi nhuận kinh doanh cốt lõi tăng gấp hai lần cùng kỳ năm 2018; Các tỷ lệ an toàn hoạt động như: tỷ lệ dư nợcho vay trên tổng tiền gửi, tỷ lệ dự trữ thanh khoản, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, … đều đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Eximbank đang duy trì trạng thái thanh khoản tốt với lượng tiền gởi trên thị trường liên ngân hàng của Eximbank đạt trên 15% vốn huy động thị trường 1. Giá trị vốn hóa của ngân hàng tăng gần 24% so với cuối năm 2018.
Ngân hàng này cũng cho biết, sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 26/4 tới.