Phúc thẩm, Cảng Quy Nhơn phải bồi thường hơn 53,48 tỷ đồng
Theo bản án phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16/12/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng: Công ty Cảng Quy Nhơn (gọi tắt là “Cảng Quy Nhơn”) và Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (47 Cửu Long, P.2, Q.Tân Bình, TP Hồ Chí Minh - gọi tắt là “Công ty Cửu Long”) ngày 12/10/2016 ký Hợp đồng kinh tế số 274/CUULONG/2016/01.02 (gọi tắt là “Hợp đồng 274”) về thuê tàu lai khai thác ở cảng Quy Nhơn trong 10 năm.
Theo bản án, từ ngày 01/7/2017, Cảng Quy Nhơn không thực hiện theo hợp đồng và pháp luật hàng hải nên xảy ra tranh chấp. Cụ thể, ngày 01/1/2019, Cảng Quy Nhơn đơn phương chấm dứt hợp đồng, không cho Công ty Cửu Long hoạt động lai dắt tại cảng; ra văn bản yêu cầu đội tàu lai của Công ty Cửu Long ra khỏi cảng và chuyển toàn bộ dịch vụ Công ty Cửu Long đang làm sang cho Công ty TNHH Thương mại vận tải Phúc Trường Linh.
Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (Tòa án cấp phúc thẩm) đã tuyên: buộc Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện Hợp đồng 274; trả cho Công ty Cửu Long hơn 53,48 tỷ đồng gồm: phí dịch vụ hơn 24,43 tỷ đồng; bồi thường thiệt hại năm 2019 và 2020 hơn 24,65 tỷ đồng; trả lãi hơn 4,39 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, bản án phúc thẩm đã được thi hành, Cảng Quy Nhơn cũng đã thi hành án xong. Tuy nhiên, mới đây Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên.
|
Theo Tòa phúc thẩm, Cảng Quy Nhơn phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Cửu Long hơn 53,48 tỷ đồng |
Vì sao VKS nhân dân tối cao kháng nghị Giám đốc thẩm?
Quyết định số 02/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 14/6/2023 của Viện kiểm sát (VKS) nhân dân tối cao có một số nội dung đáng chú ý sau:
Tòa án phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung của Công ty Cửu Long về việc buộc Cảng Quy Nhơn phải có nghĩa vụ trả cho Công ty Cửu Long phí dịch vụ hơn 24,43 tỷ đồng, theo quy định tại Quyết định 3863 ngày 01/12/2016 của Bộ Giao thông vận tải là không có căn cứ, thiếu khách quan, không đúng với tài liệu hồ sơ vụ án.
Theo đó, Công ty Cửu Long là đơn vị được Cảng Quy Nhơn thuê việc lai dắt tàu, không trực tiếp ký hợp đồng lai dắt với các hãng tàu, chủ tàu. Hơn nữa, giá cước phí này do chính bà Nguyễn Thị Nghiệp là đại điện theo pháp luật của Công ty Cửu Long lúc đó đang là Ủy viên Thường trược Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn phê duyệt, thống nhất tại Tờ trình ngày 24/7/2017, và cước phí lai dắt từ ngày 01/7/2017 đến 05/12/2018 hai bên đã tiến hành đối chiếu, thanh toán xong, Công ty Cửu Long đã xuất hóa đơn không có thắc mắc gì.
Số tiền hơn 24,43 tỷ đồng là doanh thu từ kinh doanh dịch vụ lai dắt của Cảng Quy Nhơn đã được hoạch toán đầy đủ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đã được kiểm toán đầy đủ, nộp thuế cho Nhà nước theo quy định. Do đó, việc Tòa phúc thẩm tuyên buộc Cảng Quy Nhơn phải thanh toán số tiền này cho Công ty Cửu Long là không có căn cứ, gây thiệt hại cho Cảng Quy Nhơn.
|
VKS nhân dân tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm |
Bên cạnh khoản phí kinh doanh dịch vụ trên, VKS nhân dân tối cao cho rằng Tòa phúc thẩm quyết định buộc Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện Hợp đồng 274 không không có căn cứ, không đúng với các tình tiết khách quan có trong hồ sơ vụ án.
Bởi lẽ, phía Công ty Cửu Long ngay sau khi ra Văn bản số 72 ngày 04/12/2018 thông báo chấm dứt thực hiện Hợp đồng 274 kể từ ngày 05/12/2018 thì ngày 06/12/2018 đã tự ý không thực hiện việc lai dắt, còn phía Cảng Quy Nhơn cũng thể hiện ý chí muốn chấm dứt hợp đồng, quá trình giải quyết vụ án Cảng Quy Nhơn đã yêu cầu Tòa án giải quyết tuyên bố chấm dứt Hợp đồng 274. Và thực tế, Hợp đồng 274 không còn được hai bên thực hiện, mà hiện nay dịch vụ lai dắt tàu thủy ra vào cảng đang do Công ty Phúc Trường Linh thực hiện theo hợp đồng đã ký với Cảng Quy Nhơn.
Thực tế, trong giai đoạn xử lý tình huống do Công ty Cửu Long đơn phương chấm dứt hợp đồng từ ngày 05/12/2018 đã phát sinh 21 lượt lai dắt tàu ra vào cảng Quy Nhơn, được thực hiện bởi Công ty Cửu Long. 21 lượt lai dắt này đều được Cảng Quy Nhơn và Công ty Cửu Long đề cập đến trong các công văn qua lại giữa hai bên, nhưng các công văn này không có nội dung nào thể hiện việc Cảng Quy Nhơn yêu cầu Công ty Cửu Long tiếp tục thực hiện hợp đồng, cũng như việc Công ty Cửu Long đồng ý tiếp tục thực hiện Hợp đồng 274.
Bên cạnh đó, việc Tòa phúc thẩm nhận định Cảng Quy Nhơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán Hợp đồng 274 và tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng đã làm cho Công ty Cửu Long bị nhiều thiệt hại là không có căn cứ. Bởi trong quá trình giải quyết tranh chấp, hai bên đều xác nhận, thực hiện Hợp đồng 274 hai bên đã tiến hành ký các Biên bản đối chiếu và đề nghị thanh toán, xuất hóa đơn GTGT thanh toán xong cước phí lai dắt tàu từ ngày 01/7/2017 đến ngày 05/12/2018.
Như vậy, Cảng Quy Nhơn đã thực hiện thanh toán cước phí lai dắt cho Công ty Cửu Long đúng theo điều khoản được quy định trong Hợp đồng 274 và các Phục lục hợp đồng nên Cảng Quy Nhơn không phải là bên vi phạm Hợp đồng 274. Còn phía Công ty Cửu Long là bên đơn phương chấm dứt hợp đồng và đã được Cảng Quy Nhơn đồng ý chấm dứt hợp đồng nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu bồi thương thiệt hại của Công ty Cửu Long để tuyên buộc Cảng Quy Nhơn phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Cửu Long trong hai năm 2019 và 2020 là không có căn cứ.
VKS nhân dân tối cao cũng đưa ra nhận định, Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (75%), việc Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Công ty Cửu Long như đã nêu trên là trái pháp luật gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (qua đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước).
Qua đó, VKS nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16/12/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; Bản án kinh doanh, thương mại sở thẩm số 05/2022/KDTM-ST ngày 15/7/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định; giao hồ sơ về Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.