Tiêu thụ, xuất khẩu xi măng và clinker giảm sâu, giá bán suy giảm, kết quả kinh doanh xi măng 5 tháng đầu năm 2023 ảm đạm, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò, đời sống và thu nhập của người lao động giảm sút. Tổng Công ty Xi măng VN (VICEM) đang đứng trước khó khăn nhất trong 120 năm hoạt động của mình.
Đó là nhận định của Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh trong cuộc tiếp xúc với báo chí chiều qua.
Cụ thể, sản lượng sản xuất xi măng đạt 39 triệu tấn, giảm 7%; tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10%. Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8%; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
|
Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, đơn vị thành viên của VICEM. |
Hiện nay, công suất thiết kế của các nhà máy xi măng ở VN lên đến 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng chỉ khoảng 65 triệu tấn, dư thừa gần một nửa. Hiện tồn kho clinker rất lớn, phải đổ ra các bãi ngoài trời, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn làm ô nhiễm môi trường. Sau một trận mưa thì chất lượng, trọng lượng clinker chỉ còn một nửa.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do lĩnh vực bất động sản đóng băng (gần như hấp hối), cả nước không có dự án lớn nào khởi công hay xây dựng, Trung Quốc không nhập khẩu xi măng của VN, trong khí đó giá điện, than, vật tư, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng đều tăng đáng kể làm cho VICEM như đứng ngồi trên đống lửa …
Quy hoạch và chiến được phát triển ngành xi măng đã được phê duyệt, vậy mà cung vẫn vượt cầu lớn như vậy. Chẳng những thế, một số nhà máy xi măng có công suất lớn vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam có tới 4 nhà máy xi măng đang hoạt động. Người ta nhẩm tính, từ Hà Nam vào đến Nghệ An có hơn 30 nhà máy xi măng công suất lớn...
Một cán bộ của Hiệp hội Xi măng nói rất vô tư rằng: Người ta có tiền thì người ta xây nhà máy xi măng, thế mới là cơ chế thị trường, thế mới là cạnh tranh lành mạnh.
Ai cũng biết: Nguyên liệu sản xuất xi măng và môi trường sống là tài nguyên quý của Quốc gia, của toàn dân chứ không phải của riêng ai. Vì vậy, không thể để ai có tiền thì làm xi măng, làm bừa bãi như người ta nói…
Câu hỏi đặt ta là: Vậy vai trò quản lý và điều tiết của Chính phủ, các bộ ngành trong lĩnh vực xi măng ở đâu? Không thể để nhà nhà làm xi măng, người người làm xi măng, tỉnh thành nào cũng có nhà máy xi măng và dẫn đến dư thừa và lãng phí như vậy, gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm xi măng lành mạnh, có chiến lược phát triển minh bạch …
Đây chính là bất cập trong cơ chế chính sách và phát triển ngành xi măng của Chính phủ và các bộ ngành…
Trước khó khăn chưa từng có trên, VICEM đã đề ra hàng loạt giải pháp để duy trì hoạt động, đảm bảo đời sống và thu nhập cho người lao dộng. Đó là: chú trọng công tác duy tu, bảo trì thiết bị, thực hiện tiết kiệm, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, phối hợp chặt chẽ giữa khối sản xuất và tiêu thụ để rà soát, xây dựng các kịch bản và linh hoạt chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất tương ứng với cơ cấu, chủng loạn than, tối ưu vận hành, hạn chế tồn kho tới mức thấp nhất clinker đổ ra bão thải. Bên cạnh đó, đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị thành viên tăng cường sử dụng các nguyên liệu thay thế như rác thải, bùn thải, than nhiệt trị thấp, tro, xỉ tại những đơn vị có tiềm năng và lợi thế, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để nâng cao tỷ lệ sử dụng thạch cao nhân tạo trong sãn xuất xi măng. Tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, vật tư, thiết bị trong nước sản xuất, tăng cường sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội bộ như than, thạch cao, vỏ bao xi măng, gạch kiềm tính, vận tải…nhằm chủ động nguồn nguyên nhiên liệu, tối đa hóa lợi ích chung của Tổng công ty. Sử dụng đồng vốn tối ưu, hiệu quả nhất, đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật, tận dụng tro xỉ, rác, tận dụng nhiên liệu thừa để phát điện…
Bằng các giải pháp quyết liệt cùng truyền thống và lòng quyết tâm của người lao động VICEM đã được xây dựng và hun đúc trong 120 năm, hy vọng VICEM sẽ giảm bớt khó khăn, hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2023.