Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng mang nhiều diện mạo mới, gắn nhiều hơn với công nghệ cũng như tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên những kết quả nghiên cứu, các sáng chế từ khu vực Viện, Trường còn hạn chế, trong khi tiềm năng này còn rất lớn khi Việt Nam có khoảng hơn 2000 tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN.
|
PGS.TS. Bùi Huy Nhượng phát biểu khai mạc Hội thảo.
|
Trong số đó có trên 1.000 là tổ chức NC&TK (với tên gọi, cấp trực thuộc và sở hữu khác nhau). Các tổ chức NC&TK chủ yếu thuộc hai Viện Hàn lâm khoa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), bộ/ngành trung ương, đại học/trường đại học/cao đẳng/học viện, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ. Trong đó, có khoảng 420 tổ chức là trường đại học, cao đẳng và học viện. Nhân lực R&D của Việt Nam tập trung chủ yếu ở khu vực cơ sở giáo dục và tổ chức R&D (như viện/trung tâm nghiên cứu…).
Doanh nghiệp có xu hướng tăng số lượng nhân lực R&D song chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số nhân lực R&D. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010-2015, trong tổng số các bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp cho người nộp đơn Việt Nam, có đến gần một nửa (49%) bằng độc quyền sáng chế được cấp cho các cá nhân. Với tiềm lực về tài sản trí tuệ như vậy, cần thiết phải xây dựng và triển khai các mô hình kinh doanh dựa trên khai thác các tài sản trí tuệ, đẩy mạnh thương mại hóa các tài sản trí tuệ, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo.
|
Quang cảnh Hội thảo.
|
Với mục tiêu tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực thương mại hóa tài sản trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà quản lý, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trao đổi quan điểm, kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh thực tiễn để đề xuất các mô hình khởi nghiệp và kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả, góp phần thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ và hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở nước ta, chiều ngày 10 tháng 11 năm 2022.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Trường Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên, Viện công nghệ quốc tế, Đại học Đà nẵng, Viện hỗ trợ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Các mô hình kinh doanh và khởi nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ: Thực trạng và xu hướng”.
|
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm.
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã khẳng định tầm quan trọng của việc khai thác tài sản trí tuệ trong kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Tài sản trí tuệ có mặt và đóng vai trò thúc đẩy hầu hết mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNVV, đồng thời tạo ra các giá trị kinh tế hữu hình thông qua việc chuyển giao quyền sử dụng, góp vốn, đầu tư... và là cơ sở quan trọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và những biến động có khả năng ảnh hưởng tới cục diện toàn cầu như hiện nay thì cạnh tranh giữa các nền kinh tế chính là cạnh tranh về TSTT.
Sau những phần chia sẻ của các chuyên gia về vấn đề thương mại hóa tài sản trí tuệ của các tổ chức khoa học – công nghệ như Viện, trường, những khó khăn, thách thức trong việc tìm kiếm các cơ hội khởi nghiệp từ việc khai thác tài sản trí tuệ ở Việt Nam cùng kinh nghiệm từ Singapore, các mô hình kinh doanh và khởi nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn dựa trên kết quả nghiên cứu đến từ Carafood, mô hình khởi nghiệp trên nền tảng ecotech và mô hình kinh doanh dựa trên kết quả nghiên cứu về xử lý pin năng lượng mặt trời cũng đã được giới thiệu tại Hội thảo.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và Singapore, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các bạn trẻ với mong muồn khởi nghiệp. Hội thảo đặt ra kỳ vọng tạo ra động lực cho các doanh nghiệp cũng như các bạn trẻ khởi nghiệp sẵn sàng tìm kiếm các mô hình kinh doanh và khởi nghiệp từ các kết quả nghiên cứu, các tài sản trí tuệ của các nhà khoa học từ các Viện, trường để thông qua đó, các kết quả nghiên cứu được đi vào cuộc sống, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.