Nhà sáng lập Tập đoàn DOJI “bén duyên” với ngành kim hoàn trang sức từ những năm 1990; tuy nhiên, suốt nhiều năm lăn lộn trên thương trường, “chất khoa học” vẫn luôn chảy trong huyết quản Chủ tịch Đỗ Minh Phú và góp phần tạo nên thành công của đế chế Vàng bạc đá quý nổi tiếng Việt Nam.
Cái “Duyên” thú vị!
- Dường như ít người biết xuất phát điểm của Doanh nhân nổi tiếng - Chủ tịch đế chế DOJI Đỗ Minh Phú là một nhà khoa học. Cơ duyên nào tạo nên ngã rẽ này, thưa Ông?
Phải nói là cơ duyên! Tôi từ một nhà khoa học trở thành doanh nhân, nhưng ngay cả khi đã thành lập công ty riêng, rồi phát triển thành doanh nghiệp có tiếng, tôi vẫn là cán bộ khoa học…
Tốt nghiệp xuất sắc Khoa Vô tuyến Điện tử - Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi được tuyển dụng làm cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Viễn thám tại Viện khoa học Việt Nam. Năm 1989, Lãnh đạo Viện giao tôi làm Phó giám đốc Công ty thiết bị điện tử và quang học (Elopi).
Những năm 1990, Việt Nam phát hiện đá quý ở mỏ Lục Yên - Yên Bái; Quỳ Châu - Nghệ An, trở thành tâm điểm của giới đá quý bấy giờ. Các đối tác đề nghị tôi nghiên cứu thành lập công ty liên doanh về đá quý tại Việt Nam. Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam cử tôi tham gia và trở thành Tổng giám đốc công ty liên doanh đá quý VIGEMTECH.
Tôi đặc biệt hứng thú với công nghệ hay các quy trình, kỹ thuật. Tôi tiếp nhận các bí quyết xử lý đá quý từ đối tác Thái Lan, cùng đồng nghiệp tìm giải pháp riêng trong xử lý nhiệt đối với đá quý Việt Nam, từ đó rút ra phương pháp khoa học nâng cao chất lượng đá quý. Nhờ vậy, sản phẩm chúng tôi chế tác trở nên nổi tiếng trên thị trường thế giới.
Những bất cập của mô hình liên doanh như vốn góp, công sức, khác biệt về tư duy quản trị… đã thôi thúc tôi lập công ty riêng. Năm 1994, tôi thành lập Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD (viết tắt của Technology and Trading Development) - tiền thân của Tập đoàn DOJI. Lúc đó, tôi vẫn giữ vị trí cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam.
- Đầu năm 2021, Ông được trao tặng danh hiệu Giáo sư Danh dự của Liên đoàn Hàn lâm Oxford (Academic Union Oxford – AUO). Phải chăng “Duyên” xưa trở lại, thưa nhà khoa học Đỗ Minh Phú?
Một cái “Duyên” thú vị. Giáo sư là danh hiệu vô cùng cao quý, là mục tiêu mà các nhà khoa học luôn hướng đến. Tôi đã rẽ sang kinh doanh nhưng lại đạt được cả hai nguyện vọng mà tôi vô cùng tâm huyết. Có lẽ, danh hiệu này chính là quả ngọt cho tâm sức tôi bỏ ra hàng chục năm qua.
“Chất khoa học” dường như đã ngấm vào máu, thôi thúc tôi không ngừng tìm tòi nghiên cứu. Tôi và cộng sự ở DOJI thường xuyên nghiên cứu, trình bày báo cáo khoa học tại nhiều hội thảo ngành ngọc học, vật liệu.
Tôi từng vinh dự được trình bày báo cáo khoa học về phương pháp xử lý nhiệt ruby, saphire Việt Nam, về phương pháp cắt mài chế tác ruby sao... tại Hội nghị Ngọc học Quốc tế lần thứ 33, với sự tham gia của gần 100 nhà khoa học nổi tiếng từ 35 quốc gia, do DOJI phối hợp với trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Gốc rễ khoa học giúp… nhanh tìm ra hướng kinh doanh
- Vẫn là “chất khoa học” trong quá trình hình thành và phát triển DOJI, Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn?
Có lẽ, gốc rễ khoa học đã giúp tôi nhanh tìm ra phương hướng thúc đẩy kinh doanh. Sau khi Công ty TTD thành lập, tôi luôn khắc khoải: Nghiên cứu đá quý là một nhánh chuyên biệt của ngành khoa học lâu đời về khoáng vật học. Nước ta có vô vàn loại đá quý đẹp, người thợ tài hoa, mà sao người Việt chưa thể tạo ra sản phẩm trang sức đẹp mắt và xuất khẩu sang nước khác? Đây chính là tiền đề để DOJI không chỉ tìm ra đá Ruby giúp Việt Nam ghi danh trên bản đồ đá quý thế giới, mà còn thành công với nhiều dòng trang sức cao cấp.
Sau 8 năm lăn lộn trong ngành khai thác và xử lý đá quý, tôi nhận thấy đá quý có giá trị cao hơn khi gắn trên trang sức. Năm 2002, DOJI chuyển sang chế tác trang sức vàng bạc với đá quý. Tôi muốn đem sản phẩm đá quý tới hàng triệu người, chứ không chỉ bán cho một số thương nhân thế giới.
DOJI luôn chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh; là một trong số ít các doanh nghiệp thuộc ngành kim hoàn có Trung tâm giám định Vàng bạc Đá quý riêng biệt, sau này phát triển thành Viện Ngọc học và Trang sức DOJI (gọi tắt là DOJILAB). Tháng 10/2019, DOJI tổ chức Lễ Khánh thành Nhà máy Trang sức DOJI diện tích trên 10.000 m2 và có hơn 5.000 m2 nhà xưởng tại Đông Anh, Hà Nội.
Nhờ đầu tư hợp lý cả trong nghiên cứu lẫn sản xuất, chế tác, kết hợp với chiến lược kinh doanh bài bản nên doanh thu của DOJI từ 60 tỷ đồng (năm 2006), tăng gấp 500 lần, lên 30.000 tỷ đồng (năm 2011) và 100.000 tỷ đồng (năm 2020). DOJI cũng vươn lên vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam liên tiếp 3 năm (2012, 2013 và 2014).
- TPBank tiên phong trong quá trình chuyển đổi số với Live Bank, eGold của DOJI là "cuộc cách mạng" trong ngành bán lẻ vàng bạc đá quý. Bộ đôi này được kết tinh từ tư duy nhà khoa học hay tầm nhìn của một doanh nhân?
eGold hay Live Bank đều là sản phẩm kết tinh từ sự nghiên cứu vô cùng kỹ lưỡng, cả về chiến lược kinh doanh, nhu cầu thị trường và sự đầu tư không ngừng về công nghệ.
Ra mắt vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, eGold đã thể hiện được lợi thế vốn có, khách hàng có thể giao dịch vàng bất cứ đâu, chỉ cần kết nối Internet trên máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Giải pháp công nghệ 4.0 tập trung vào trải nghiệm, cá nhân hóa người dùng, bảo mật thông tin, quản lý tốt hơn các giao dịch. Vì vậy, trong lúc các cửa hàng phải đóng cửa, doanh thu sụt giảm, DOJI duy trì được mảng kinh doanh vàng và được khách hàng đón nhận.
Với Live Bank, TPBank là ngân hàng đầu tiên, duy nhất hiện nay cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam. Chúng tôi xác định, hướng đi của TPBank phải khác biệt và quyết định tập trung “số hóa”, đề ra mục tiêu tiên phong áp dụng công nghệ để nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng.
LiveBank hoàn toàn tự động hóa với nhiều công nghệ hiện đại như: biometrics - sinh trắc học, nhận dạng chữ viết OCR, ứng dụng QR Code…, nhiều năm liền được thế giới công nhận là sản phẩm thành công, đi đầu công nghệ số với các giải thưởng danh giá.
Thành công chỉ đến với người tự tin…
- Bí quyết làm nên thành công của “Vua trang sức, đá quý” Đỗ Minh Phú là gì?
Thành công chỉ đến với người tự tin, dám chấp nhận, chủ động nắm lấy bắt cơ hội, không đầu hàng hoàn cảnh và luôn duy trì ngọn lửa đam mê, cùng ý chí tự lực.
Nếu tôi không dám lựa chọn giữa con đường làm khoa học và kinh tế, thì tôi chưa thể bước ra khỏi cái bóng của mình. Nếu tôi bằng lòng với chức vị tổng giám đốc một công ty nước ngoài, hoặc không dám quyết định đứng ra làm chủ doanh nghiệp tại thời điểm nhà nước chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về doanh nghiệp tư nhân… thì có lẽ, không có những bứt phá hôm nay của Đỗ Minh Phú (cười).
Nếu tôi không dám "nhảy vào lửa", không dám đi "ngược chiều", không dám "lao đầu vào đá", quyết tâm đầu tư vào TPBank, chắc chắn không có một ngân hàng số phát triển mạnh mẽ Tiên Phong.
- Sự “dám” và “quyết tâm” của Ông được thừa hưởng từ truyền thống gia đình ba đời làm kinh doanh?
Cha tôi - Đỗ Thế Sử xuất phát điểm là cán bộ nhà nước. Do gia cảnh khó khăn, Cha xin nghỉ về mở hợp tác xã thủ công nghiệp. Gia đình 3 đời làm kinh doanh, nhưng tôi không được thừa hưởng gì từ nghề “cha truyền con nối”. Thế hệ anh chị em chúng tôi cũng không ai "nối nghiệp" các công việc Cha từng làm.
Tài sản lớn nhất mà Cha, Ông để lại cho tôi không phải là tiền bạc hay vật chất, mà là giáo dục về giá trị của lao động cùng với hành trang 3 chữ Tự: Tự lực, Tự trọng và Tự tôn.
Từ nhỏ, Cha đã dạy rằng, làm bất cứ việc gì cũng phải tự dùng sức mình trước tiên, đừng bao giờ trông chờ sự giúp đỡ của người khác. Lúc 5 tuổi, tôi đã làm việc phụ giúp gia đình. Đó chính là Tự lực.
Hiểu được giá trị của bản thân nên làm gì cho xứng đáng với những cái đã có của ngày hôm qua, danh dự và uy tín của ngày hôm nay, rồi cho mai sau. Đó là Tự trọng.
Còn Tự tôn là phải hiểu được giá trị của mình, không chấp nhận sự thua kém. Khi còn nhỏ, tôi và các anh chị em luôn cố gắng đứng đầu lớp, vì chỉ khi đó Cha mới đi họp phụ huynh. Cha có tới 9 người con, nên không thể đi họp cho tất cả được.
3 chữ Tự là hành trang được truyền tới những thế hệ tiếp theo ở DOJI và nhà họ Đỗ. Nếu không có Tự lực, Tự trọng, Tự tôn, thì những người kế nghiệp rất khó có vị trí trong tập thể, không thể góp phần phát triển DOJI hay TPBank. Thành công của ngày hôm nay không có nghĩa là thành công của ngày mai, nếu bạn không cố gắng và phấn đấu.
Ông chủ đá quý, Chủ tịch ngân hàng mang tâm hồn thi sĩ!
- Có người nói rằng, Doanh nhân Đỗ Minh Phú mang tư duy của nhà khoa học, tầm nhìn của một doanh nhân, còn tâm hồn của một thi sĩ. Quan niệm này có đúng?
Mọi người hay đùa tôi rằng: Chẳng ai nghĩ, ông chủ đá quý lại đi làm ngân hàng. Cũng chưa từng có một ông chủ đá quý nào lại làm Chủ tịch ngân hàng. Vậy nên, ông chủ đá quý kiêm chủ tịch ngân hàng còn là một nhà thơ thì rất đặc biệt!
- Người yêu thơ hẳn luôn có “nàng thơ” của mình, thưa Ông?
Thơ ca giúp tôi cân bằng cuộc sống, tìm niềm vui và sự hứng thú trong công việc.
Thơ ca cũng là ngọn nguồn, chất xúc tác nuôi dưỡng tình yêu thương đối với gia đình, công việc, trách nhiệm với hàng ngàn con người DOJI và cộng đồng. Và đây có được xem là “nàng thơ”?! (cười)
Xin cảm ơn Chủ tịch Đỗ Minh Phú về cuộc trò chuyện này!
Thực hiện: Cẩm Linh