Thu hồi khu “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, Kido thiệt hại bao nhiêu tiền?

Google News

(Kiến Thức) - Công ty Lavenue được trả lại tiền đã nộp vào ngân sách và tiền góp vốn, bao gồm 50% từ Kido. HĐXX cũng giao UBND TP.HCM thực hiện thu hồi, quản lý sử dụng toàn bộ khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn.

Sáng 20/9, TAND TP.HCM đã đưa ra phán quyết đối với ông Nguyễn Thành Tài (68 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM giai đoạn 2008-2011) cùng 4 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

KIDO thiệt hại bao nhiêu?

Một chi tiết cũng cũng khiến nhiều người quan tâm trong vụ án này là đại diện Công ty CP đầu tư Lavenue (chủ đầu tư dự án) và Công ty TNHH Đầu tư Kido (gọi tắt là Công ty Kido - cổ đông góp 50% vốn vào Công ty Lavenue) muốn được tiếp tục thực hiện dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn.

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Bằng, người đại diện theo ủy quyền của Công ty Lavenue và Công ty Kido cho rằng, Công ty Lavenue được thành lập trên cơ sở hợp pháp. Hơn nữa, trong cáo trạng và các kết luận điều tra, chưa có một văn bản nào và cũng chưa có một ai khẳng định rằng Công ty vi phạm pháp luật.

Công ty Lavenue đã đầu tư rất nhiều tiền vào dự án này. Đồng thời cũng thực hiện rất nhiều công đoạn như thiết kế, thi công, tư vấn… nhưng đang làm thì bị dừng lại.

“Trong cáo trạng, VKS cũng cho rằng Công ty Lavenue không sai. Khi công ty không sai như vậy thì phải xử lý trách nhiệm và các khoản tiền cho công ty để công ty tiếp tục thực hiện dự án này”, ông Bằng nói.

Đại diện phía công ty này cho biết thêm, sau khi được tiếp tục thực hiện dự án, Công ty Kido sẽ huy động vốn và góp vốn tiếp, cùng với Lavenue để thực hiện dự án này.

Thu hoi khu 'dat vang' 8-12 Le Duan, Kido thiet hai bao nhieu tien?
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch  UBND TP HCM.

Về vấn đề này, HĐXX kết luận CTCP Đầu tư Lavenue không thuộc đối tượng được chỉ định giao đất thực hiện dự án tại số 8 - 12 Lê Duẩn nên giao UBND TP HCM thực hiện thu hồi, quản lý sử dụng toàn bộ khu đất theo quy định pháp luật.

Lavenue có trách nhiệm nộp lại bản chính các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM.

Công ty Lavenue đã nộp vào ngân sách 647 tỷ để thực hiện nghĩa vụ tài chính, trong đó các công ty đóng góp theo tỉ lệ phần trăm góp vốn.

Cụ thể, Công ty Hoa Tháng Năm 30%, Công ty quản lý kinh doanh nhà 20%, Công ty Kido 50%. HĐXX tuyên tịch thu vốn góp của công ty Hoa Tháng Năm do số tiền này được sử dụng vào việc phạm tội. Trả lại số tiền góp vốn của công ty quản lý kinh doanh và Công ty Kido.

Công ty Kido (trước đây là Kinh Đô) vốn được biết đến là "vua" bánh kẹo trên thị trường Việt Nam, sau đó đã chấm dứt "mối tình" này khi quyết định bán mảng bánh kẹo cho các doanh nghiệp nước ngoài từ năm 2014. Tuy nhiên, Kido vẫn "thống trị" mảng kem, nắm giữ tới 35% thị phần (theo thống kê của EuroMonitor) với hai thương hiệu nổi tiếng là Merino và Celano.
Vào thời điểm đó, Kido còn toan tính "lấn sân" sang thị trường dầu ăn thông qua việc mua lại 51% cổ phần tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và 65% cổ phần tại Dầu Tường An. Ngoài ra, Kido đã mua lại 50% cổ phần tại Dabaco Foods nhằm thâm nhập vào thị trường thức phẩm chế biến sẵn.
Kido lớn mạnh ngày nay được sáng lập và lãnh đạo bởi một nhóm doanh nhân gốc Hoa gồm cặp vợ chồng ông Trần Kim Thành và vợ là Vương Bửu Linh; ông Trần Lệ Nguyên và vợ là Vương Ngọc Xiểm.
Công ty Kido được ông Trần Kim Thành thành lập năm 1993 và giữ vị trí tổng giám đốc.
Năm 2017, ông Trần Kim Thành xếp thứ 35 trong Danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Đối với việc 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã bán 50% vốn góp cho Công ty Kido lấy 200 tỷ đồng, HĐXX cho rằng các công ty này không có năng lực tài chính nhưng không báo cáo với UBND TP, do đó cần thu hồi số tiền bán cổ phần nêu trên.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét, khoản đầu tư của Kido vào Lavenue có giá trị 1.069 tỷ đồng.

Như vậy, rót cả nghìn tỷ vào dự án 8-12 Lê Duẩn là khoản đầu tư từng được các cổ đông Kido kì vọng khi chứng kiến giá bất động sản trung tâm TP HCM tăng mạnh trong những năm qua. 

Trong khi đó, chưa thể kết luận cụ thể số tiền mà Kido sẽ nhận lại là bao nhiêu. Nhưng nếu công ty chỉ nhận được số tiền bằng số vốn góp ban đầu sẽ gây thiệt hại cho các cổ đông Kido.

Kido góp vốn vào “đất vàng” như thế nào?

Theo cáo trạng, khu nhà đất số 8 - 12 Lê Duẩn có diện tích gần 4.900 m2 là tài sản Nhà nước. Năm 1994, UBND TP HCM giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà quản lý và cho thuê. 4 công ty được thuê đất là Kim khí, Thiết bị phụ tùng, Hóa chất vật liệu điện và Vitaco.

Năm 2007, thực hiện quyết định của Thủ tướng, UBND TP HCM thống nhất chủ trương cho xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại trên khu đất; giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà thanh lý hợp đồng thuê đất, thu hồi và quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị tiến hành đầu tư xây dựng dự án. TP HCM cũng chủ trương tiến hành đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, không áp dụng hình thức liên doanh.

Đến năm 2008, TP HCM đã giao Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông (100% vốn Nhà nước) làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Sang năm 2009, Công ty Quản lý kinh doanh nhà có văn bản đề nghị 4 công ty thuê đất di dời, bàn giao mặt bằng, nhưng 4 công ty này đề nghị được mua, nhà đất theo chủ định hoặc tham gia dự án nhưng UBND TP HCM không đồng ý.
Thu hoi khu 'dat vang' 8-12 Le Duan, Kido thiet hai bao nhieu tien?-Hinh-2
 Khu "đất vàng" số 8-12 Lê Duẩn, quận 1.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, sau đó chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà liên kết với 4 công ty đang thuê đất tại dự án để cùng thực hiện xây dựng. Để huy động thêm nguồn vốn, ông Tài cũng chấp thuận cho một công ty do cá nhân đứng tên là Hoa Tháng Năm (chủ công ty là Lê Thị Thanh Thúy có mối quan hệ với ông Tài) cùng thực hiện dự án.

Năm 2010, CTCP Đầu tư Lavenue được thành lập, trong đó Công ty Quản lý kinh doanh nhà góp 20%, công ty Hoa Tháng Năm góp 30%, 4 công ty (Kim khí, Thiết bị phụ tùng, Hóa chất vật liệu điện, Vitaco) góp 50% vốn.

Cuối năm 2010, 4 công ty trên đã bán toàn bộ 50% cổ phần Lavenue cho Kido với giá 250 tỷ đồng. Trước đó, 4 công ty này được Kido cho vay tổng cộng 50 tỷ đồng để góp vốn thành lập Lavenue và không phải trả lãi. Sau khi trừ đi khoản vay, mỗi công ty thu lời 50 tỷ đồng.

TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM) 8 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cùng tội danh trên, tòa sơ thẩm phạt bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP HCM) 5 năm tù.

Tổng hợp với hình phạt trong vụ án trước đó, bị cáo Kiệt thi hành án phạt 11 năm 6 tháng tù. Tương tự, bị cáo Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất - Sở TN-MT TP HCM) lãnh 3 năm tù giam.

Tổng hợp hình phạt 5 năm tù trong bản án trước, bị cáo này thi hành án phạt 8 năm tù. HĐXX phạt bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy quận 2) 3 năm tù giam.

Ngoài ra, HĐXX đưa ra mức án 5 năm tù giam đối với Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Gia Lai

>> xem thêm

Bình luận(0)