Theo báo cáo của Tổ công tác nghiệp Bộ NN-PTNT), ở Việt Nam sau khi thu hoạch lúa, lượng rơm (phụ phẩm của ngành lúa gạo) lên tới 42,3 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, ĐBSCL là khu vực có rơm lúa nhiều nhất cả nước, khoảng 23,8 triệu tấn.
Báo cáo cũng chỉ rõ, tỷ lệ sử dụng rơm lúa vào các mục đích khác nhau là 56,3%. Theo đó, rơm thường được làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ luống, phủ gốc cho cây trồng...
Tại ĐBSCL, thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ngày càng phát triển. Vụ Đông Xuân năm 2021, giá rơm thu mua tại ruộng khoảng gần 400 đồng/kg, giá rơm vận chuyển lên cạnh đường giao thông liên xã là 15.000 đồng/bó (tương đương 1.250 đồng/kg).
|
Mỗi năm ở Việt Nam có 42,8 triệu tấn rơm lúa, nhưng phần nhiều lại bị đem đốt (ảnh: TG) |
Còn nếu vận chuyển đến các cơ sở sử dụng cho nuôi gia súc, làm nấm, làm vườn,... thì rơm được thu mua với giá khoảng 25.000/bó, tương đương 2.083 đồng/kg. Vì vậy, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong họ có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm lúa khi bán cho người thu mua.
Song, tại khu vực miền Bắc và miền Trung, một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng, gây ô nhiễm không khí, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tại tọa đàm trực tuyến "Giải pháp phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu", ngày 21/10, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Tống Xuân Chinh thừa nhận, sau mỗi vụ thu hoạch, rơm lúa ở nước ta thường bị đốt bỏ rất lãng phí.
"Trên Amazon, mỗi tấn rơm được bán với giá 80-100 USD/tấn. Còn ở Việt Nam đem đốt bỏ”, ông Chinh nói. Nếu tính theo giá bán này thì mỗi năm chúng ta đem đốt 2-3 tỷ USD cháy thành tro bụi.
Để khai thác được nguồn phụ phẩm nông nghiệp rơm rạ có hiệu quả,ông Tống Xuân Chinh cho rằngphải có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ. Ví dụ có hệ thống máy tuốt lúa, đồng thời cuốn được cả rơm, xử lý hóa chất để biến rơm thành phụ phẩm để xuất khẩu.
Liên quan đến xử lý rơm rạ, bà Hạ Thúy Hạnh- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, phía Trung tâm khuyến nông đã triển khai một số dự án liên quan đến xử lý sau khi thu hoạch. Ngoài việc phối trộn làm thức ăn vụ đông, rơm có thể sử dụng chế phẩm sinh học để trồng nấm, giá thể…từ đó nâng cao giá trị.