Ngày 19/1/2024, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức. Lý do công ty này bị cưỡng chế là nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế quá hạn 90 ngày.
Trước khi rơi vào cảnh nợ thuế, Thiên Minh Đức từng là doanh nghiệp nộp thuế cao nhất tỉnh Nghệ An năm 2021 với 1.820 tỷ đồng. Thậm chí, tổng số tiền mà doanh nghiệp này đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Hệ sinh thái Thiên Minh Đức “khủng”
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) được thành lập ngày 4/9/2001 theo Giấy phép đăng ký kinh doanh số 2900471372, có trụ sở tại số 2A, Đường Lê Mao, Phường Lê Mao, thành phố Vinh (Nghệ An), do bà Chu Thị Thành làm Chủ tịch HĐQT.
Tại thời điểm ngày 20/9/2022, doanh nghiệp này điều chỉnh vốn điều lệ từ 1.455 tỷ đồng tăng lên 2.022 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông góp vốn là 3 thể nhân, gồm: Ông Vương Đình Quán góp 1,5 tỷ đồng (0,08% CP); bà Chu Thị Thành góp 1.560 tỷ đồng (77,15% CP) và ông Chu Đăng Khoa góp 460,5 tỷ đồng (22,77% CP).Được biết, TMD Group kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài. Ngành nghề chủ yếu của doanh nghiệp này bao gồm xăng dầu, khí hóa lỏng, sản xuất giấy, bao bì, logistic, vận tải đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài.
|
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận, chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức. |
Ngoài Thiên Minh Đức, bà Chu Thị Thành còn đứng tên hàng loạt công ty như: CTCP Trung Long, lĩnh vực hoạt động chính là công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; Công ty TNHH Thương mại Du lịch DKC, ngành nghề kinh doanh chính là kho bãi và lưu giữ hàng hóa; CTCP Điện mặt trời miền trung MK (công ty liên doanh giữa CTCP Hóa chất Nhựa và Thiên Minh Đức); CTCP Nam Long Vinh, CTCP Khoa học Kỹ thuật điện tử, thiết bị viễn thông Trung Thiên, CTCP Dầu khí EPIC và Công ty TNHH Thương mại Hiếu Thành Lộc,...
Tuy nhiên lĩnh vực xăng dầu là “điểm nhấn” quan trọng làm nên tên tuổi tập đoàn này, bởi đây là đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu và khí hóa lỏng có quy mô lớn ở Bắc Trung Bộ. Năm 2022, Thiên Minh Đức có mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
“Đại gia” xăng dầu lấn sân bất động sản
Năm 2006, dự án tổ hợp đô thị khách sạn Hà Nội Kim Liên nằm ngay mặt biển Cửa Lò (Nghệ An) được giao cho CTCP Du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư gần 78 tỷ đồng. Công ty Du lịch Hà Nội được thành lập năm 2005, với 3 cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Thị Giới, Vũ Văn Thảo và Vũ Bá Hòa.
Trước đó, vào tháng 6/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Cổ phân (CTCP) Du lịch Hà Nội. Quyết định này nêu rõ, trong 10 ngày công ty phải họp để quyết định giải thể, nhưng trong tháng 10 và 11/2017, CTCP Du lịch Hà Nội có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, theo đó cả ông Vũ Văn Thảo và 2 cổ đông khác thoái hết vốn tại doanh nghiệp này.
|
Cửa hàng xăng dầu DKC Can Lộc (Hà Tĩnh) thuộc Công ty Thiên Minh Đức thông báo tạm nghỉ để sửa chữa. |
Ngay sau đó, bảng biển dự án khách sạn Hà Nội Kim Liên bị dỡ bỏ và thay vào đó là cổng sắt mới được dựng lên với logo TMD Group. Đồng thời, bà Chu Thị Thành trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của CTCP Du lịch Hà Nội. Như vậy, Thiên Minh Đức Group của bà Thành đã lấn sân, âm thầm thâu tóm dự án "đất vàng" mặt biển Cửa Lò.
Thế nhưng, từ khi sang tay Tập đoàn Thiên Minh Đức cho đến nay, dự án này cũng không thoát khỏi cảnh chậm tiến độ, hoang tàn, không một bóng người lui tới…
Còn tại dự án Highway5 Residences (Gia Lâm, Hà Nội), năm 2019, Tập đoàn Thiên Minh Đức đã bỏ giá cao nhất, vượt qua hai đối thủ là Công ty Cổ phần Hóa chất Nhựa và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Rubyland, trúng đấu giá quyền sử dụng đất lô đất TQ5 (1) với giá bỏ là hơn 779,6 tỷ đồng, tăng 81 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Đáng nói, với mức giá này, bình quân đơn vị trúng đấu giá chỉ phải chi hơn 9,3 triệu đồng/m2 đất, hay hơn 20 triệu đồng/m2 đất ở. Trong khi đó, giá đất ở để xây dựng nhà ở thấp tầng thực tế tại khu vực đang giao dịch ở mức quanh 40-60 triệu đồng/m2. Điều này đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm, dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo của công dân.
|
Dự án tổ hợp đô thị khách sạn Hà Nội Kim Liên nằm ngay mặt biển Cửa Lò (Nghệ An). |
Được biết, khu đất TQ5 có tổng diện tích 187.405,9m2, nằm ở thị trấn Trâu Quỳ nơi đang phát triển mạnh hàng đầu của huyện Gia Lâm; giao cắt, tiếp giáp với nhiều tuyến đường lớn và xung quanh là các khu đô thị trọng điểm, như đường Lý Thánh Tông rộng 40m, đường cắt khu đô thị Vinhomes Ocean Park, dự án công viên hồ điều hòa rộng 29ha, khu đô thị mới Trâu Quỳ.
Nợ phải trả cao gấp 9,6 lần vốn chủ sở hữu
Ngoài những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu vừa được Thanh tra Chính phủ công bố kết luận, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chuyển kết luận thanh tra sang Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Tính đến ngày 28/02/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức đang còn nợ thuế với số tiền hơn 954,038 tỷ đồng (chiếm hơn 35% trên tổng số nợ hơn 2.592,263 tỷ đồng do Cục Thuế Nghệ An công bố).
Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức liên tiếp nhiều kỳ nợ thuế, bị cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn, sau đó người đại diện theo pháp luật là bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT công ty bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 20/12/2023.
Không chỉ nợ thuế, Thiên Minh Đức còn đang có số nợ rất lớn tại nhiều ngân hàng và toàn bộ đã chuyển thành nợ xấu. Tính đến cuối tháng 11/2023, Thiên Minh Đức có dư nợ khoảng hơn 4.376 tỷ đồng tại 3 ngân hàng là Vietcombank, BIDV và VPBank.
|
Thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức - do công ty này chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
|
Cụ thể, Vietcombank là chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn Thiên Minh Đức với tổng dư nợ hơn 2.925 tỷ đồng. Đáng chú ý, toàn bộ số nợ trên là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5).
Tập đoàn Thiên Minh Đức cũng đang vay BIDV gần 1.261 tỷ đồng. Số nợ trên đang ở trạng thái nợ nghi ngờ mất vốn (nợ nhóm 4). Ngoài ra, VPBank cũng đang cho doanh nghiệp này vay gần 191 tỷ đồng và đều là nợ có khả năng mất vốn.
Theo báo cáo tài chính tính đến hết năm 2021, tổng tài sản của Thiên Minh Đức là 10.583 tỷ đồng, tăng 86,6% so với con số 5,671 của năm 2019. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 4.455,7 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 6.127,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ phải trả của Thiên Minh Đức cao gấp 9,6 lần vốn chủ sở hữu. Cụ thể, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 9.584 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu tính đến hết tháng 12/2021 là 999,6 tỷ đồng.
Theo đó, tổng số nợ phải trả nợ ngắn hạn là 8.280 tỷ đồng (chiếm 86,4%), trong đó vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn là 1.280 tỷ đồng. Còn nợ dài hạn là 1.303 tỷ đồng, toàn bộ số tiền nợ dài hạn là vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thiên Minh Đức đạt 11.089 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2019. Trong khi đó, giá vốn bán hàng năm 2021 là 10.823 tỷ đồng, do vậy, lợi nhuận gộp chỉ 266 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 68,8 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Thiên Minh Đức chỉ còn hơn 23 tỷ đồng.