Thị trường Tết: Khách thử quần áo cả tiếng chưa mua; hoa tươi đắt hàng

Google News

Cận Tết, chợ hoa, quầy tạp hóa, hàng bánh kẹo... đông khách, trong khi các cửa hàng thời trang đồng loạt xả giá để nghỉ Tết nhưng một vài chỗ "khách thử cả tiếng chẳng mua".

Người dân ưu tiên những mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán 2024 như bánh mứt kẹo, thực phẩm, hoa tươi... Sức mua một số mặt hàng này có giảm nhưng vẫn túc tắc. Ngược lại, hàng bán quần áo than ế ẩm...
Tiểu thương chợ truyền thống than sức mua giảm, khách mặc cả nhiều
Trưa ngày 24 tháng Chạp, tại một chợ ở Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), sạp hoa quả của chị Hồng vẫn còn rất nhiều hàng. Chị kể những ngày cận Tết, chị nhập nhiều hàng hơn để bán nhưng sức mua có phần kém hẳn các năm dù giá hàng hóa năm nay không cao, thậm chí còn rẻ hơn.
"Mọi năm, dịp này chị bán được nhiều lắm, khách mua liên tục và cũng chẳng mặc cả nhiều. Giờ kinh tế khó khăn, họ mua ít hơn hẳn", chị than thở.
Bán thịt lợn ở chợ này, chị Huyền chia sẻ những ngày sát Tết này, người dân đi mua sắm đông hơn hẳn ngày thường song sức mua cũng giảm mạnh. Năm ngoái, ngày 23 Tết, sạp hàng của chị Huyền đã nhộn nhịp khách nhưng năm nay chỉ lác đác người mua. "Tôi mong những ngày tới người dân được nghỉ Tết thì sẽ đi mua sắm nhiều hơn", chị Huyền nói.
Thi truong Tet: Khach thu quan ao ca tieng chua mua; hoa tuoi dat hang
Tiểu thương bán hàng tại chợ dân sinh (Ảnh: Huỳnh Anh).
Còn tại cửa hàng tạp hóa của anh Kiên tại phố Hoàng Ngân, người mua tấp nập ra vào những ngày này. Khách hàng liên tục đến khiến anh không thể ngơi tay phục vụ. Cửa hàng của anh mở cửa từ 7h và đóng lúc gần 0h. Càng sát Tết, anh càng đóng cửa hàng muộn hơn vì đông khách.
Chợ hoa nhộn nhịp
Ngày 24 Tết, tại chợ hoa lớn nhất Thủ đô là chợ Quảng Bá (quận Tây Hồ, Hà Nội), lượng hoa tươi ngày một nhiều, khách hàng cũng tăng lên. Thông thường, người dân chủ yếu đi chợ hoa từ sáng sớm nhưng những ngày này thì chợ đông cả ngày.
Chủ một cửa hàng hoa tại chợ này cho biết giống với mọi năm, từ ngày 23 Tết trở đi là lượng khách bắt đầu đông hơn. Đa phần khách mua khá nhiều hoa, đủ để cắm cho khoảng 3-4 bình hoa cho dịp Tết. Bên cạnh đào, quất, mai, hoa tươi là một trong những thứ không thể thiếu trong ngày Tết, giúp cho không gian sống trở nên tươi mới, sinh động hơn.
Những loại phổ biến được nhiều người lựa chọn vào dịp Tết là hoa phăng, hoa lay ơn, hoa ly, hoa phi yến, hoa đồng tiền. Mức giá ngày Tết có chênh hơn ngày thường khoảng 30.000 đồng/bó 10 bông.
Thi truong Tet: Khach thu quan ao ca tieng chua mua; hoa tuoi dat hang-Hinh-2
Người dân chọn đào trên phố Hàng Lược, Hà Nội (Ảnh: Minh Quang).
Năm nay, những ngày sát Tết, miền Bắc bước vào đợt mưa xuân với thời tiết nồm ẩm, chủ cửa hàng cho biết thời tiết này giúp những bông hoa có độ nở đẹp nhất. Do đó, đa phần khách hàng hài lòng với chất lượng hoa và ít mặc cả.
Dọc các tuyến phố ở Hà Nội, lượng cây, cành đào, quất còn khá nhiều. Hoa bắt đầu nở nhiều. Một vài chủ vườn nói năm nay cành đào khá được giá nhưng đa phần khách hàng đều mua khá sớm, từ ngày 15 tháng Chạp. Đến giờ thì chủ cửa hàng bắt đầu phải hạ giá để đẩy hàng kịp trước Tết.
Khách mua ưu tiên chọn bánh kẹo giá vừa phải
Năm nay, người dân không mấy mặn mà với những loại bánh kẹo đắt tiền. Thay vào đó, họ lựa chọn mua bánh kẹo với mức giá vừa phải, ưu tiên sự đa dạng, đẹp mắt.
Ngoài ra, với những loại bánh kẹo nhập khẩu với mức giá cao, người tiêu dùng sử dụng làm quà biếu tặng cho đối tác, người thân. Lượng khách không giảm so với năm ngoái. Tuy vậy, năm nay, mọi người có xu hướng sắm Tết rải rác và khá sớm nên không gây ra tình trạng quá tải hay tắc đường.
Tại khu vực các ki ốt bánh kẹo ở đường Mạc Thị Bưởi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người dân xếp hàng khá đông để mua bánh kẹo. Chủ cửa hàng cho hay lượng khách không giảm so với năm ngoái.
Thanh Hoa, một khách đang mua bánh kẹo tại đây, nói năm nào cũng vậy, khoảng 24, 25 Tết là chị mua bánh kẹo để bày biện trên ban thờ và xếp vào khay mời khách. "Càng ngày, mọi người càng không ăn nhiều bánh kẹo như xưa. Trẻ con cũng hạn chế ăn đồ ngọt nên mua bánh kẹo vừa phải. Ít nhưng vẫn phải có, không có thì lại thiếu hương vị Tết", chị nói.
Cửa hàng quần áo xả hàng 49.000-99.000 đồng nhưng vẫn ít khách
Tại các con phố bán quần áo lớn ở Hà Nội, các cửa hàng cũng đua nhau xả hàng đồng giá 49.000 đồng, 69.000 đồng, 99.000 đồng /sản phẩm để thu hút khách.
Dọc con phố Chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) có hàng chục cửa hàng treo biển "xả kho", "xả nghỉ Tết". Chị Hạnh, quản lý một cửa hàng quần áo tại đây nói nhiều mẫu có giá bán bằng hoặc thấp hơn giá nhập để chị thu hồi vốn và dọn kho chuẩn bị cho mẫu mã mới sau Tết.
Thi truong Tet: Khach thu quan ao ca tieng chua mua; hoa tuoi dat hang-Hinh-3
Cửa hàng quần áo trên phố Chùa Láng (Hà Nội) đông khách (Ảnh: Huỳnh Anh).
Khách đông hơn nhưng chị Hạnh nói mức độ chi tiêu cũng ít hơn. "Có người vào thử cả tiếng đồng hồ nhưng cũng không mua món nào", chị Hạnh kể.
Với tình hình kinh tế trong năm vừa qua, chị Châu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ rằng năm nay thu nhập của chị giảm mạnh nên việc chi tiêu cũng được thắt chặt hơn.
"Cả năm nay mình ít ra cửa hàng mua đồ, chỉ mua sắm online. Dịp Tết này đơn hàng về lâu quá mình sợ không kịp có đồ mặc Tết nên mới đi ra ngoài mua sắm", chị Châu tâm sự.
Theo Huỳnh Anh / Dân Trí

>> xem thêm

Bình luận(0)