Đó là anh Lê Quốc Toàn (SN 1980, tỉnh Sóc Trăng) hiện đang giảng dạy bộ môn Mỹ thuật ở Trường tiểu học - THCS Lý Thường Kiệt (TP.Sóc Trăng) - tác giả của các sản phẩm được làm từ bao mì gói đã qua sử dụng.
Thầy giáo Toàn gom vỏ gói mỳ tôm để đan thành những chiếc túi xách
Thầy Toàn cho biết, hằng ngày, thấy bao bì của các loại thực phẩm như mì gói, túi cà phê, gói snack… không bán ve chai hay tái sử dụng lại được mà chỉ bỏ đi, khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Vì thế anh nghĩ đến việc tận dụng các loại bao bì để tạo ra sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Và ý tưởng làm túi xách từ bao mì gói được ra đời.
“Sau nhiều lần thấy phía sau căn tin của nhà trường chất đống những vỏ gói mỳ, bánh kẹo chờ thu gom, nếu như giấy báo, chai nhựa có thể gom lại bán ve chai để tái chế nhưng vỏ mỳ gói thì chưa thấy làm được việc gì.
Tôi nghĩ, những chiếc vỏ mỳ gói thường nhiều màu sắc bắt mắt nên năm 2014, tôi chợt nảy ra ý tưởng có thể tận dụng đan thành túi xách với ưu điểm bền chắc, không thấm nước” – anh Toàn chia sẻ.
Trước khi bắt tay vào làm, thầy giáo mỹ thuật phải lên mạng học cách đan, sử dụng máy may để may lớp vải lót bên trong.
Khi ra mắt, những chiếc túi với đủ loại màu sắc trông rất ấn tượng đối với mọi người. Năm 2015-2016, thầy Toàn đưa sản phẩm túi xách tái chế từ vỏ bao mì gói của mình tham dự cuộc thi về khoa học công nghệ ở địa phương nhưng… bị trượt. Dù buồn nhưng với niềm say mê và sự động viên của các đồng nghiệp, thầy tiếp tục sáng tạo và cho ra những sản phẩm đẹp, bền và thân thiện với môi trường.
Mõi chiếc túi khi hoàn thiện sẽ cần khoảng 400 - 500 vỏ gói mỳ tôm được thầy Toàn khéo léo kết lại
“Để có một chiếc túi xách bằng vỏ mì gói phải qua nhiều công đoạn như lên ý tưởng về hình dáng, kích thước, màu sắc, chọn bao bì phù hợp, vệ sinh, cắt, se và đan theo kích thước của bản vẽ. Trong đó công đoạn se từng mảnh bao bì thành cọng đòi hỏi sự khéo léo để các cọng kết nối với nhau vừa vặn, đảm bảo kích thước khi thành phẩm. Đan xong thì may phần ruột túi để ghép vào các mảnh bao bì, trang trí thêm cườm, hoa văn cho thời trang”, thầy Toàn chia sẻ.
Thời gian để hoàn thành một chiếc túi xách, nếu làm liên tục phải mất hai ngày cho túi nhỏ với khoảng 250 vỏ gói mì, ba ngày cho một túi lớn và cần ít nhất 380-400 vỏ mì.
Chị Trương Thị Kim Phương (TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: "Màu sắc của chiếc túi xách từ vỏ mì gói rất độc lạ, mỗi cái điều có 1 phong cách riêng. Thấy tận mắt, sờ tận tay, tôi thấy thích thú lắm, rất đẹp mà độ bền của nó không thua gì cái hàng hiệu ở ngoài đâu"
Được biết, ngoài túi xách anh Toàn cũng dùng vỏ mỳ gói để làm mũ, bàn ghế và nhiều sản phẩm khác.
Năm 2018, anh Toàn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Người thực hiện bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất” với 44 chiếc. Sản phẩm đầu tiên được thầy hoàn thành trong hai tuần với hơn 500 vỏ mì tôm.
Những chiếc hộp đựng đồ lưu niệm cũng được làm từ vỏ gói mỳ tôm
Anh Toàn mong một ngày sản phẩm của mình sẽ đi xa hơn, tinh thần bảo vệ môi trường được lan tỏa, quan trọng hơn là giúp tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Các sản phẩm sau khi hoàn thiện được nhiều khách hàng đánh giá cao
"Cũng giống như những chất liệu khác như lục bình, cói... tôi tin túi làm từ vỏ mì cũng sẽ được nhiều khách hàng đón nhận bởi công năng, tính thẩm mỹ và ý nghĩa bảo vệ môi trường.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu phát triển bộ ghế sofa bằng mì gói và chai nước sao cho hoàn thiện, đẹp để có thể cung cấp vào các nhà hàng, khách sạn hoặc các resort, các khu nghỉ dưỡng”, anh Toàn chia sẻ.
Sau khi xác lập kỷ lục, ý tưởng của anh Toàn đã được người trong và ngoài nước biết đến, ngỏ ý mua để làm kỷ niệm. Anh cho biết, sẽ sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho những ai có ý muốn làm và mượn bộ sưu tập để trình diễn.