Tàu cao tốc Thăng Long chạy tuyến TP.HCM - Côn Đảo do Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) vận hành với sức chứa lên đến 1.017 chỗ. Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews trên chuyến tàu ra đảo sáng thứ 7 ngày 25/5, mặc dù khởi hành vào cuối tuần nhưng tầng 3 của tàu khá vắng, hành khách có thể thoải mái di chuyển, nằm dài trên các ghế trống.
Lần đầu tiên có tàu chạy tuyến này, khách du lịch Côn Đảo hào hừng vì không còn phải tốn thời gian di chuyển xuống cảng Trần Đề (Sóc Trăng) hay cảng Cầu Đá (Vũng Tàu).
Tuy nhiên, việc di chuyển từ trung tâm TP.HCM ra cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) vẫn khá xa, trung chuyển còn nhiều bất cập là một yếu tố khiến siêu tàu này mất đi sức hút.
Trao đổi với Znews, ông Vũ Văn Khương, Tổng giám đốc Phú Quốc Express, cho biết sau khoảng 2 tuần hoạt động, lượng khách đi tàu tuyến TP.HCM - Côn Đảo không đạt kỳ vọng.
Ban đầu, đơn vị hy vọng sẽ đón lượng khách đạt 80% công suất vào ngày thường và 100% vào ngày cuối tuần. Tuy nhiên, lượng khách trung bình ước đạt chưa đến 50% công suất tàu, thấp hơn nhiều so với tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo với sức chứa tương đương.
Ông cho biết trong tháng 4, tàu Thăng Long chạy tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo đạt 70-80% công suất ngày thường và gần như kín khách vào cuối tuần.
Chia sẻ với phóng viên trên chuyến tàu từ Côn Đảo vào Vũng Tàu ngày 27/5, ông Võ Tuấn (du khách Nghệ An) cho biết tàu không có gì để chê.
"Lần đầu tiên tôi đi tàu lớn như thế, di chuyển rất êm, ghế ngồi rộng rãi, thoải mái, giá cả hợp lý", ông Tuấn nói. Tàu di chuyển chỉ mất khoảng 3,5-4 tiếng thì cập bến trên đường Trần Phú (TP Vũng Tàu).
Ông Võ Tuấn cùng bạn dành 2N1Đ trải nghiệm Côn Đảo bằng tàu Thăng Long đi từ Vũng Tàu. Ảnh: Linh Huỳnh.
Tuy vậy, để di chuyển từ trung tâm TP.HCM ra cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, hành khách phải đặt xe trung chuyển của hãng hoặc đi taxi với chi phí hàng trăm nghìn đồng vì chặng đường di chuyển khá xa. Ví dụ, quãng đường từ chợ Bến Thành đến cảng vào khoảng 24 km. Bên cạnh đó, việc ra vào cảng phải trả phí sử dụng cảng 35.000 đồng khiến nhiều khách hiểu lầm là phí trung chuyển.
Việc cầu cảng nằm xa trung tâm khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút khách. Đơn vị đã bố trí nhân sự hoạt động hàng hải đảm nhiệm thêm công việc vận tải đường bộ. Vì chưa có kinh nghiệm trong việc trung chuyển nên còn nhiều bất cập, để lại ấn tượng không tốt cho du khách. Việc khách đặt xe trung chuyển miễn phí rồi huỷ vào chút chót cũng khiến doanh nghiệp không ít lần mất tiền.
Hiện tàu đang chạy cách ngày, nối ba điểm TP.HCM - Côn Đảo - Vũng Tàu, việc các chuyến di chuyển khá cận hoặc cách xa ngày cũng gây bất tiện cho khách.
Việt Khánh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: "Tôi dẫn theo 4 người bạn cùng đi Côn Đảo, dự định chơi 3N2Đ mà không có tàu về TP.HCM nên tôi buộc phải đi cảng Vũng Tàu rồi đi xe khách về thành phố. Khá bất tiện nhưng vì muốn trải nghiệm nhiều hơn nên đành chịu".
Việt Khánh rất thích Côn Đảo nên quyết định đi tàu về Vũng Tàu rồi đi xe khách lên TP.HCM. Ảnh: Linh Huỳnh.
Nhiều ý kiến cho rằng đơn vị nên đưa tàu vào bến Nhà Rồng để gần trung tâm, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bến Nhà Rồng chỉ cho tàu chạy 8 hải lý một giờ, trong khi ở cảng Hiệp Phước tàu chạy 32 hải lý một giờ, việc di chuyển này khiến tàu phải cộng thêm 3 tiếng khá phức tạp.
Bên cạnh đó, lượng khách rải đều ra cho bến Vũng Tàu và TP.HCM cũng là lý do khiến đầu cảng TP.HCM khó đạt công suất tối đa. Du khách đến từ các tỉnh có thể ghé du lịch Côn Đảo kết hợp tham quan Vũng Tàu.
Đại diện đơn vị cho rằng, vào dịp hè, lượng khách đi tuyến TP.HCM - Côn Đảo có thể tăng thêm 20-30%, trung bình 500 khách vào ngày thường, cuối tuần khoảng 600-700 khách. Ngoài ra, bên cạnh việc phát triển các phương tiện vận tải, điểm đến cũng cần phát triển, tạo ra sức hút để thu hút du khách.
Hiện, phần lớn khách du lịch đến Côn Đảo để du lịch tâm linh, đi viếng Nghĩa trang Hàng Dương, tham quan các di tích lịch sử là chính chứ chưa có nhiều hàng quán, hoạt động trải nghiệm hấp dẫn.