Mức đề xuất tăng của Bộ Tài chính với mức tăng tương đương 5 lần. Như vậy sẽ có mức thuế thấp nhất 400 đồng/túi và cao nhất lên đến 2.000 đồng/túi.
Mức này so với nhiều quốc gia, lãnh thổ, khu vực vẫn là thấp: Anh có mức thuế là 15cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; hay Iceland cũng có mức thuế tương đương – 4.500 đồng/túi…
Sẽ có ý kiến đặt vấn đề, tại sao không so sánh với những nước, vùng lãnh thổ có mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon thấp hơn. Đơn cử như Hong Kong (Trung Quốc) có mức thuế là 0,05USD/túi, tương đương 1.050 đồng/túi…
|
Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN). |
Vấn đề này cần nhìn ở hai góc độ. Góc độ quan trọng nhất, trước hết là nhằm điều chỉnh hành vi. Túi nilon, mà ở Việt Nam loại được dùng nhiều gọi là túi xốp, hiện có mức giá quá rẻ. Rẻ như cho. Vì thế khi cần thì khách hàng hoàn toàn có thể xin người bán hàng cho miễn phí 1 túi hay nhiều túi. Trong khi đó, nếu so sánh với không ít quốc gia và vùng lãnh thổ, khi đi siêu thị, không có túi nilon miễn phí để đựng đồ mà phải trả phí, thậm chí phải bỏ tiền ra để mua loại túi thân thiện với môi trường mà sử dụng.
Chính vì thế mà, Việt Nam hiện nằm trong tốp quốc gia sử dụng túi nilon một cách vô tội vạ, xả rác túi xốp bừa bãi tràn lan khắp nơi, vì quá rẻ, vì hầu hết được miễn phí, từ đó thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Có một thực tế là, hiện túi xốp được dân nghèo sử dụng nhiều hơn vì giá rẻ, vì tiện, nhưng từ đó cũng thiếu ý thức xả rác túi xốp ra môi trường nhiều hơn.
Ở góc độ thứ hai, chính là biện pháp để thúc đẩy góc độ thứ nhất, là đánh thuế tăng để điều chỉnh hành vi. Khi giá túi nilon tăng lên vài lần, trở thành một thứ chi phí đáng kể trong gói dịch vụ hay sản phẩm, người dùng buộc phải điều tiết hành vi sử dụng, sẽ tái sử dụng nhiều hơn, hoặc chuyển sang một số loại túi đựng thân thiện môi trường có thể dùng nhiều lần. Và hệ quả là qua đó, nhà nước cũng tăng thu thuế từ loại sản phẩm không khuyến khích sử dụng này.
Có những loại thuế được đề xuất tăng, chúng ta chưa thể đồng tình. Nhưng ngược lại, có những loại thuế - như thuế túi nilon, chúng ta cần ủng hộ một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Bởi chính những đống rác túi nilon gây ô nhiễm và khó xử lí, có quá trình phân hủy lên đến hàng trăm năm, chính là nguy cơ cao gây hại môi trường sống.