Trong xã hội hiện đại với nền kinh tế tri thức hiện nay, nhiều người dân lương thiện, đặc biệt là các bạn sinh viên vẫn thường tự tin rằng mình là người có đủ kiến thức và sự khôn ngoan để nhận ra những chiêu trò lừa đảo. Thế nhưng, dù rất cảnh giác nhưng thực tế là vẫn có không ít người bị “ăn thịt lừa” với những cái bẫy rất tinh vi mà những kẻ lừa đảo gắn mác “kinh doanh đa cấp” giăng ra để “móc túi của thiên hạ” một cách công khai và trắng trợn.
Reo rắc ảo vọng làm giàu
Có một đặc điểm dễ nhận ra ở các nạn nhân bị mắc bẫy “bán hàng đa cấp” là họ đều là những người lao động nghèo, thiếu hiểu biết (phần lớn là người ngoại tỉnh) hoặc đang muốn tìm kiếm một công việc với mức thu nhập khá một cách nhanh chóng. Đối tượng chủ yếu là sinh viên và những người lớn tuổi đã về hưu. Đánh trúng vào tâm lý muốn “làm ít, hưởng nhiều” ấy, các công ty bán hàng đa cấp mọc ra như nấm với đội ngũ tư vấn viên khá đông đảo họ khéo léo dùng tài ăn nói của mình khiến những người dân nghèo dễ bị sa bẫy. Để thuyết phục những đối tượng của mình, các công ty này không ngần ngại “vẽ” ra các chiêu trò PR, quảng cáo, truyền thông rầm rộ, từ nhờ người thân, bạn bè thành viên giới thiệu miệng, phát tờ rơi, dán thông báo tuyển dụng ở các cổng trường học, bến xe bus… đến chuyện thuê văn phòng tư vấn trực tiếp cho đối tượng.
Cao tay hơn, chúng còn tổ chức những buổi thuyết trình, hội thảo với sự tham gia của đông đảo người dân (có cài cắm cả những nhân viên của chúng) nhằm mục đích thuyết phục và kêu gọi sự tham gia của càng nhiều người càng tốt. Để đạt được mục đích làm dày thêm mạng lưới thành viên, một số kẻ thuyết trình bán hàng đa cấp còn không ngần ngại sử dụng những lời bịa đặt về thu nhập cá nhân “khủng” từ khi tham gia công ty này, “lòng yêu nghề” và “trách nhiệm với xã hội”…, thậm chí lợi dụng cả yếu tố tâm linh.
|
Ảnh minh họa.
|
Cách đây không lâu, Công ty kinh doanh đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy đã bày ra một buổi thuyết trình với cái tên rất kêu là “Huấn luyện Đường đến ngày vinh quang” với sự tham gia của đông đảo người dân và cả một đội ngũ khá hùng hậu thành viên công ty. Người thuyết trình tự xưng là Nguyễn Thế Lâm, tư vấn viên của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã gào thét luyên thuyên một thôi một hồi trong lúc các thành viên khác đứng trên sân khấu vỗ tay, khóc lóc, thậm chí ngất xỉu… chỉ vì quá xúc động vì lòng yêu nghề và thu nhập “khủng” của các vị “thượng cấp” trong công ty(!?).
Nhưng sự thực thì những kẻ thuyết trình này chỉ đang đưa người nghe vào mê hồn trận của ảo vọng giàu sang giả tạo do chính chúng thêu dệt nên. Những khoản lương, thưởng đầy hấp dẫn ứng với từng cấp độ thành viên mà các công ty kiểu này hứa hẹn với thành viên của mình chỉ là hình thức bóc lột kiểu “người vào trước ăn “hoa hồng” của người vào sau”, lừa đảo theo dây chuyền. Để bảo vệ số tiền lừa đảo này, nhiều công ty kinh doanh đa cấp không ngần ngại chầy bửa, từ chối trả tiền cho thành viên, thậm chí cử nhân viên bảo vệ đe dọa, hành hung nếu người bị hại có ý định đòi lại số tiền đã trót đầu tư vào.
Minh Thư (SV ĐH Lao động xã hội), một nạn nhân của “bán hàng đa cấp” chua xót cho biết: “Thực tế là với những khóa đào tạo ngắn hạn, cách thức bán hàng kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, sản phẩm kinh doanh lại mù mờ, không rõ ràng, giá lại đắt thì việc bạn thuyết phục được người ngoài mua nó là rất khó khăn. Đa số thành viên công ty chỉ có thể lừa hoặc nhờ chính bạn bè, người thân mình mua giúp sản phẩm đó mà thôi”.
Việc làm hay việc… lừa?
Đánh trúng vào tâm lý của nhiều bạn sinh viên hiện nay là luôn mong muốn tìm kiếm một việc làm thêm để có “đồng ra, đồng vào” trang trải học phí giúp san sẻ gánh nặng gia đình và tự chủ được kinh phí trong sinh hoạt hay chuyện ăn chơi, các công ty bán hàng đa cấp mọc ra như nấm với những lời mời gọi đầy hấp dẫn. Các công ty kiểu này có cách “móc túi” người dân một cách rất tinh vi và trắng trợn. Trong số này phải kể đến các cái tên nổi đình nổi đám trong suốt thời gian qua như: Thiên Ngọc Minh Uy, Diamond Holiday hay Muaban24… Các công ty đa cấp đúng nghĩa thực chất không xấu, nhưng lợi dụng nó để lừa đảo, trục lợi bất chính thì thật sự là một việc làm rất xấu và đáng bị lên án mạnh mẽ.
Một bạn sinh viên đã từng bị Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) lừa đảo bức xúc chia sẻ câu chuyện về những món hàng mang danh “kinh doanh đa cấp”: “Công ty TNMU luôn bán sản phẩm với giá cao hơn 300-400% giá thị trường cho những người muốn trở thành chuyên viên kinh doanh (CVKD) của công ty. Khi tổng giá cả sản phẩm (tôi không dùng từ “giá trị”, vì giá trị thực của sản phẩm được bán trên thị trường chưa bằng ¼ giá cả này) mà bạn mua từ 3.200.000đ trở lên thì bạn được làm CVKD. Các CVKD này tiếp tục giới thiệu những người quen biết đến nghe thuyết trình để họ mua sản phẩm và trở thành CVKD, là cấp dưới của người giới thiệu. Mỗi lần giới thiệu như vậy, CVKD cấp trên ăn phần trăm trong tổng giá cả đó từ cấp dưới là… chính người thân, bạn bè của họ. Chúng cho bạn “đi tàu bay giấy” rằng cố gắng lên chức càng cao (có nhiều cấp dưới) thì có thể không làm gì mà nghiễm nhiên hưởng vài chục triệu một tháng chỉ với việc đầu tư 3.200.000đ ban đầu. Mua đắt nhưng kiếm lợi mãi mãi (?!)”.
Nhưng bán sản phẩm chỉ là cái cớ, thực chất TNMU bán cơ hội cho mọi người để đánh vào chính lòng tham của họ. Để trở thành CVKD, mỗi người phải bỏ ra 3.150.000đ để mua một cái máy khử độc ozone trị giá từ
800.000-1.000.000đ trên thị trường. TNMU dùng tiền của nhân viên mới để làm giàu cho những kẻ đứng đầu công ty và trả cho các nhân viên cũ (tùy theo cấp bậc). Các tư vấn viên của các công ty đa cấp như kiểu TNMU luôn “câu” các bạn trẻ bằng gợi ý: “Mỗi CVKD đều có cơ hội làm giàu”. Để như vậy, họ phải thu nạp cấp dưới, ít nhất là “câu” được 8 người để có thể hoàn vốn đã đầu tư (khoảng 2.500.000đ tiền mua “cơ hội”). Khi bạn làm cấp trên, nhận thù lao là bạn đang lấy tiền từ túi của người khác. Số tiền này kiếm được không phải là do lao động sản xuất ra mà chỉ là hành vi trục lợi bất chính từ lòng tin của chính người thân, bạn bè bạn khi lỡ mua sản phẩm gắn mác đa cấp này.
Thách thức công luận
Nhắc đến những vụ lừa đảo bán hàng đa cấp, người ta lại nhắc đến chuỗi nạn nhân “dây chuyền” của nó, bởi nạn nhân của những cú lừa tinh vi này không chỉ là một cá nhân, mà cùng lúc là hàng trăm nghìn người. Bất kỳ ai thuộc mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp đều có thể bị cuốn vào vòng xoáy của chiêu trò lừa đảo này. Hệ thống “chân rết” của các công ty đa cấp đã và đang len lỏi tới cả những vùng nông thôn hẻo lánh để hòng “rút ruột” những khoản tiền mồ hôi, nước mắt của những người lao động quá ư thật thà, lương thiện.
Đã nhiều tháng qua, cô Đặng Thị Kim Dung cũng như nhiều người dân khác tại Bắc Ninh, Bắc Giang như ngồi trên đống lửa khi cả trăm triệu đồng của bản thân và gia đình đã cùng ban lãnh đạo của Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn công nghệ Thăng Long bỗng chốc biến mất. Chỉ với những chiếc thẻ thành viên có hình dáng khá giống thẻ ATM, chẳng cần hàng hóa, công ty này đã thu hút được hàng chục nghìn hội viên tham gia. Với lời hứa hẹn sẽ được hưởng những dịch vụ khuyến mãi hấp dẫn như đi du lịch, spa hay mua hàng giá rẻ tại các chi nhánh của công ty, những người nhẹ dạ cả tin như cô đã bị sa bẫy.
Trao đổi về thực trạng lừa đảo này, Trung tá Lê Văn Hạnh (Phó đội trưởng đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Đống Đa - Hà Nội) cho biết: “Những người bị hại của nạn lừa đảo này chủ yếu là những người ở tỉnh ngoài, vùng sâu vùng xa, cho nên khi truy tìm các đối tượng để đòi lại số tiền đã đóng vào thì rất tốn kém và khó khăn. Một nguyên nhân nữa khiến hiện tượng tiêu cực này vẫn hoành hành là do số tiền đầu tư ít nên người ta cũng không muốn kiện cáo hay hợp tác với cơ quan điều tra”.
Vì sao nhiều người lại dễ dàng đầu tư, rơi vào cạm bẫy lừa đảo này đến thế? Đó là bởi họ bị mờ mắt vì tin rằng nguồn lợi có vẻ thu được quá dễ dàng chỉ nhờ tài thuyết phục người khác mua hàng của mình. Thực chất, hình thức bán hàng đa cấp (hay kinh doanh theo mạng, mua bán trực tuyến) với những buổi hội thảo tổ chức rầm rộ, sự quảng bá “thổi phồng” về công dụng của sản phẩm, sử dụng chính những người thân quen làm thuyết khách là hình thức kinh doanh không tạo ra của cải cho xã hội, lợi nhuận bất chính thu được là do người trước ăn chặn tiền của người sau mà có lãi.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (chuyên gia kinh tế) chia sẻ: “Hình thức kinh doanh này rất dễ khiến người ta ngộ nhận về tiền lãi nhanh chóng, an toàn và đặc biệt là cái gọi là “sự thần kỳ” của hệ thống kinh doanh này mang lại. Về bản chất, nó chỉ là lấy tiền của người này để trả cho người khác trong một hệ thống người tham gia, mà nó không từ lao động sản xuất, không từ gia tăng giá trị hàng hóa. Xét về mặt xã hội, đây chính là thiệt hại lớn nhất. Còn đối với từng cá nhân, nếu chúng ta không tỉnh táo thì nó sẽ dẫn đến tình trạng: Một là anh phải đắm đuối theo nó, tốn rất nhiều tiền cũng như công sức mà kết quả thu được lại không được nhiều. Thứ hai là chuyện mang cái lỗi là lôi kéo, thuyết phục những người thân quảng cáo quá mức và nó tạo ra một sự mất niềm tin, đổ vỡ về quan hệ gia đình, bạn bè”.
Có thể làm giàu nhanh và được hưởng những khoản hoa hồng không nhỏ chỉ qua hình thức giới thiệu miệng đã thu hút rất đông “con thiêu thân” tham gia. Những nạn nhân đã lây truyền con virus “lừa đảo đa cấp” cho nhau theo kiểu “một đồn mười, mười đồn trăm” lúc nào không biết. Mạng lưới “chân rết” của hệ thống lừa đảo này cứ thế lan rộng trên khắp mọi vùng miền khiến cho không chỉ cá nhân mà nhiều gia đình bỗng chốc lâm vào cảnh khuynh gia bại sản vì lỡ bị lôi kéo vào mạng lưới lừa đảo này.
Thiếu kiến thức, lòng tham hay lòng tin người đặt không đúng chỗ là nguyên nhân chính để những hành vi sai trái này vẫn đang tồn tại với mức độ đáng báo động như hiện nay. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để những kẻ lừa bịp này phải chịu sự trừng phạt đích đáng của pháp luật. Mỗi người chúng ta hãy tự bảo vệ đồng tiền của mình bằng cách trang bị kiến thức, kinh nghiệm xã hội để tránh “tiền mất, tật mang”.