Sức khoẻ tài chính loạt “ông lớn” vào diện kiểm toán năm 2022

Google News

Hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước vào diện kiểm toán năm 2022 đều ghi nhận kết quả kinh doanh đáng khích lệ, dù phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 phức tạp.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội những dự kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2022.
Riêng về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ lựa chọn một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 kết hợp với việc đánh giá công tác cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Trong đó, trọng tâm là Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả…
Loạt “ông lớn” Nhà nước vào diện kiểm toán năm 2022 gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam; Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng Công ty Lương thực miền Bắc; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam…
Suc khoe tai chinh loat “ong lon” vao dien kiem toan nam 2022
Loạt "ông lớn" Nhà nước vào diện kiểm toán năm 2022. 
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh của các “ông lớn” nói trên đều thi nhận kết quả khích lệ. Theo đó, năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận tổng doanh thu 409.802 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 14.480 tỷ đồng, tăng 49% so với 2019.
Số liệu trong báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, doanh thu hợp nhất của EVN năm 2020 ghi nhận là 409.802 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 15.316 tỷ đồng, tăng 23%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 14.480 tỷ đồng, tăng 4.760 tỷ đồng so với năm 2019 (tương đương 49%). Riêng Công ty mẹ - EVN ghi nhận khoản lãi sau thuế 1.598 tỷ đồng năm ngoái.
Tổng giá trị tài sản hợp nhất của EVN đến cuối năm 2020 là 729.452 tỷ đồng, tăng 1,1% so với 2019, trong đó vốn chủ sở hữu 240.195 tỷ đồng (tăng 6%).
Với kết quả này, EVN đóng góp 13.177 tỷ đồng vào ngân sách, trong đó Công ty mẹ góp 10.513 tỷ đồng.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, quý 2/2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 63.910 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 52% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 8.500 tỷ đồng, giảm 27%.
Tính riêng tháng 6, kết quả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đạt cao nhất từ đầu năm đến nay. Cụ thể, than nguyên khai sản xuất đạt 3,5 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 4,3 triệu tấn, lần lượt tăng 4% và 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam dự kiến tổng doanh thu 123.880 tỷ đồng, lợi nhuận 3.000 tỷ đồng, than tiêu thụ 42 triệu tấn, than nguyên khai sản xuất 38,5 triệu tấn.
Suc khoe tai chinh loat “ong lon” vao dien kiem toan nam 2022-Hinh-2
 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ghi nhận doanh thu 63.910 tỷ đồng. (Ảnh minh họa).
Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.970 tỷ đồng ở quý 2 năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức bình quân mỗi ngày doanh nghiệp này thu về hơn 55 tỷ đồng từ bán thuốc lá. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 20,1% xuống 19,2%.
Dù chi phí lãi vay giảm một nửa nhưng các chi phí hoạt động tăng mạnh nên Vinataba báo lãi sau thuế 529 tỷ đồng, lãi ròng gần 434 tỷ đồng, giảm lần lượt 11% và 12%.
Đặc biệt, những năm gần đây, doanh thu của Vinataba giữ đều đặn trên 20.000 tỷ đồng, thị phần tiêu thụ của Vinataba tại thị trường nội địa tăng từ 55% lên 67%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trên 4% (nghị quyết đề ra là 2,5%).
Suc khoe tai chinh loat “ong lon” vao dien kiem toan nam 2022-Hinh-3
Những năm gần đây, doanh thu của Vinataba giữ đều đặn trên 20.000 tỷ đồng.
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, tổng doanh thu thực hiện 13.420 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận đạt gần 270 tỷ đồng. Đặc biệt, thu nhập của cán bộ công nhân viên, người lao động tăng 17,3% so cùng kỳ năm 2020.
Theo Bưu điện Việt Nam, cơ bản các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra và giữ được đà tăng trưởng các dịch vụ so cùng kỳ năm 2020. Một trong những dịch vụ tăng trưởng cao nhất là logistic với doanh thu tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng quý 2, doanh thu từ dịch vụ Logistics Eco tăng 65% do nhu cầu vận chuyển nông sản và các ngành điện tử, ô tô, xe máy tăng cao.
Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đạt 16.436 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận hơn 1.250 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 433,5 tỷ, lần lượt tăng 23% và tăng gần 38%. Các Công ty xi măng còn lại có lãi trước thuế 800 tỷ và bằng 118% so với cùng kỳ.
Tổng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ của VICEM đạt hơn 14,7 triệu tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2020. Trong đó hơn 12,6 triệu tấn là sản lượng tiêu thụ xi măng, tăng 8,3%.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, VICEM thực hiện được 46% kế hoạch doanh thu năm và gần 53% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế…
Khánh Hoài (T/H)

>> xem thêm

Bình luận(0)