"Khôn đâu tới trẻ" - trường hợp này đúng với không ít người dùng thẻ tín dụng ở Mỹ. Khi trẻ, hy vọng có công việc tốt khiến không ít người vung tay vay tiền, tiêu tiền. Nhưng khi thu nhập không được như kỳ vọng, họ ngồi trên đống nợ và nỗi ám ảnh thẻ tín dụng theo họ cả đời.
Bà Damaris Jimenez - người tiêu dùng Mỹ cho hay: "Khi còn trẻ, tôi cứ mua và mua, sau đó tôi nhận ra mình đã vung quá trán. Vì vậy, tôi đã phải nộp đơn xin phá sản. Tôi không dùng thẻ tín dụng nếu không khẩn cấp".
Khi quá hạn, họ sẽ phải chịu lãi suất và khoản nợ sẽ ngày càng phình to, khiến khả năng chi trả khó hơn. Ám ảnh vì những người thân đã từng bị như vậy, một số người tiêu dùng quay lưng hẳn với thẻ.
"Tôi luôn cố gắng tránh xa thẻ tín dụng. Tôi nhớ bố tôi luôn dạy rằng không nên chi tiêu gì ngoài khả năng chi trả của bản thân. Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế bất ổn", ông Gary Lucas - người tiêu dùng Mỹ cho hay.
Để không bị dính vào các khoản nợ, các chuyên gia khuyên nên đọc kỹ các điều khoản khi đăng ký thẻ. Ảnh minh họa.
Nhưng theo các chuyên gia, thẻ tín dụng cũng là cách để người tiêu dùng quản lý chi tiêu của bản thân tốt hơn, thông minh hơn. Nó cho người dùng biết điểm dừng và có trách nhiệm trong mỗi chi tiêu. Nếu quản lý được điều đó, thẻ sẽ là công cụ chi tiêu tốt.
Ông Adam Levin - đồng sáng lập Trang Credit.com cho hay: "Với một người trẻ, xây dựng điểm tín nhiệm tiêu dùng là quan trọng nhưng không có nghĩa là tín nhiệm quá khả năng thật. Vì thế cần phải chi tiêu thẻ thông thái, có trách nhiệm và đừng vung quá trán".
Cuộc sống hiện đại khiến người Mỹ phải có thẻ tín dụng để xây dựng tín nhiệm tiêu dùng bản thân, nghĩa là một người tiêu dùng có trách nhiệm. Có được điểm tín nhiệm đó, họ mới dễ dàng mua nhà, mua xe và nhiều giao dịch khác.
Để không bị dính vào các khoản nợ, các chuyên gia khuyên nên đọc kỹ các điều khoản khi đăng ký thẻ, tận dụng tối đa các giao dịch được tích điểm, sử dụng các ứng dụng thông minh nhắc nhở việc chi tiêu. Nếu có điều kiện, nên tham gia các lớp học về quản lý tài chính cá nhân.