Startup Việt Kiều làm chống ngập cho ô tô, 4 Shark "tung mồi" giành giật

Google News

Mở đầu tập 3 Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank mùa 4, Hà Phước Thành, đồng sáng lập và điều hành công ty Hoa Lộc Thành – một Việt kiều Mỹ một giải pháp chống ngập hiệu quả cho xe ô tô mang tên túi bạt COVO.
 

Chia sẻ về ý tưởng ra đời sản phẩm, nhà đồng sáng lập cho biết, tại Việt Nam, xe ô tô là một tài sản có giá trị lớn của mỗi gia đình. Khi xảy ra lũ lụt hoặc triều cường, dù bảo hiểm có chi trả cho việc khắc phục các hậu quả, song xe vẫn hoạt động không ổn định dẫn đến giá thành bị giảm nhiều so với giá trị ban đầu.
Phước Thành đến Shark Tank để kêu gọi 1 tỷ cho 10% cổ phần. và thuyết phục các Shark bằng minh chứng cụ thể: “COVO – Túi bạt chống ngập hiệu quả dành cho xe ô tô, bảo vệ xe ô tô trước những thiệt hại nặng nề từ một trận lũ lụt”. Trong tương lai, anh muốn mang sản phẩm này ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước đang hứng chịu nhiều trận lũ lụt.
Khi được hỏi thêm về cơ chế hoạt động của tấm bạt, Phước Thành cho biết, khi bọc bạt lại xung quanh xe thì khung xe sẽ kết hợp với bạt tạo thành một chiếc xuồng. Điều này khiến nước nổi đến đâu thì túi bạt nổi đến đó, nước sẽ không bao giờ nhấn chìm quá ½ chiếc xe.
Startup Viet Kieu lam chong ngap cho o to, 4 Shark
 
Trong trường hợp lũ lụt mưa lớn thì chiếc xe này vẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Dù mở bạt ra một phần thì xe vẫn nổi vì thiết kế đặc biệt là dây kéo sẽ không bao giờ bị ngập xuống nước, đảm bảo không bị rò rỉ nước vào trong túi bạt khi sử dụng. Đặc biệt, đây là sản phẩm độc quyền chưa từng có trên thị trường Việt Nam. 
Các Shark liên tục đặt ra những câu hỏi về các kích thước sản phẩm, vật liệu, giá tiền, doanh thu và lợi nhuận, các dòng xe phù hợp,… Startup cũng tự tin cho biết, doanh nghiệp đã thu thập thông tin của hơn 200 dòng xe khác nhau, ba loại bạt sẽ bảo đảm vừa tất cả các loại xe. Vật liệu sử dụng là loại nhẹ nhất, chắc nhất trên thị trường và được sản xuất tại Việt Nam.
“Dù chỉ vừa hoàn thành sản phẩm vào tháng 11 và đã bán được 9 sản phẩm, rơi vào cuối mùa lũ nên ngừng quảng cáo và tập trung phát triển sản phẩm nhằm tối ưu hóa hơn”, nhà sáng lập trả lời.
Con số 9 sản phẩm được bán ra khiến các Shark lo ngại vì quá ít. Shark Hưng nhận định sản phẩm mang giải pháp sáng tạo, nguyên lý ổn, lợi dụng khung xe và bánh để tạo ra như một chiếc xuồng nhưng Shark Hưng e ngại thao tác quá phức tạp và nặng nề. Tuy nhiên Phước Thành cho rằng, anh chỉ mất 5 phút để thao tác bao gồm trải bạt, chạy xe.
Chia sẻ về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trong tương lai, Phước Thành cho biết hy vọng sẽ bán được 1.000 sản phẩm trong năm 2021, lợi nhuận đạt mức 30%.
Shark Liên rất hoan nghênh tinh thần của Phước Thành vì quay về Việt Nam để khởi nghiệp. Nữ CEO cũng nhận định đây là một thị trường vô cùng lớn, không chỉ là giải pháp cho ô tô mà còn xe máy. Chính vì vậy, Shark Liên đưa ra đề nghị 1 tỷ cho 45%, kèm theo lời chiêu dụ hấp dẫn: ngay lập tức sẽ mua 1.000 sản phẩm, kế hoạch trong năm 2021 xem như đã hoàn thành. “Không dừng ở đây, chúng ta sẽ đi nhanh và chiếm lĩnh thị phần”, Shark Liên nói.
Nhận xét sản phẩm hay và mức định giá phù hợp, Shark Phú cũng ngay lập tức ra deal 1 tỷ lấy 25%.
Shark Việt đánh giá rất cao ý tưởng của Thành nhưng phải phát triển nhanh “Rất phục bạn vì nghĩ ra nhiều thứ mà các Shark ở đây chưa chắc nghĩ ra. Khả năng 5-10 năm sau bạn có thể sẽ ngồi ghế Shark ở đây”, Shark Việt nhận xét. Nhưng nhận thấy không có thế mạnh để có thể giúp dự án nên Shark Việt quyết định không đầu tư.
Đã có 2 Shark đưa ra đề nghị đầu tư. Quyết không bỏ lỡ startup tiềm năng, Shark Hưng đưa ra đề nghị 1 tỷ cho 10% cổ phần, thêm điều kiện royalty fee (phí nhượng quyền định kỳ) 500 nghìn/sản phẩm trong 10.000 sản phẩm đầu tiên.
Phản pháo lại Shark Hưng, Shark Liên cho rằng mình đang nắm giữ lợi thế quyết định phân phối thành công 10.000 sản phẩm bở duy nhất có Shark ngồi đây có công ty bảo hiểm và LIAN có mọi bảo hiểm liên quan đến mọi rủi ro của xe ô tô
Shark Bình là vị “cá mập” cuối cùng đưa ra quyết định. Để thuyết phục nhà sáng lập, Shark Bình cho rằng cho rằng công nghệ mới là long mạch của startup: “Muốn bán hàng nhanh nhất chỉ có bán hàng bằng thương mại điện tử”, CEO Nextext nhận định. 
Với hệ sinh thái bao gồm các nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ hậu cần, kho vận, mạng lưới rộng khắp Đông Nam Á, Shark Bình tự tin sẽ giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy Shark Bình đưa ra đề nghị “đầu tư 1 tỷ lấy 0% cổ phần, kèm điều kiện lấy royalty fee 500 nghìn/sản phẩm cho đến khi thu hồi vốn và đạt lợi nhuận 5 tỷ. Sau đó mỗi sản phẩm lấy royalty fee 250.000 đồng/sản phẩm”.
Không để vuột mất startup mà mình yêu thích, Shark Liên tiếp tục thuyết phục founder bằng đề nghị hấp dẫn: “3 năm đầu nếu có lợi nhuận chị cũng không cần lấy để tiếp tục đầu tư. Quan trọng là khách hàng có rồi”.
Startup Viet Kieu lam chong ngap cho o to, 4 Shark
 
Không dừng lại ở đó, Shark Hưng ngay lập tức “ra chiêu”: “Anh là người nghĩ ra rất nhiều thứ và mô hình kinh doanh. Nên nhớ anh mới là chân ái”, “Em đi với anh thì em mới đột biến”.
Shark Bình cũng không chịu thua trong cuộc “tranh giành” startup: “Nếu em đồng ý thì quẹt thẻ đặt cọc luôn 10%. Long mạch của em là chuyển đổi số và thương mại điện tử”.
Sự “giằng co” của các Shark khiến nhà sáng lập không khỏi bối rối. Sau một thời gian phân tích và cân nhắc, Phước Thành quyết định về với shark Hưng vì Shark có thể cho startup thêm nhiều ý tưởng về sản phẩm để phát triển sau này. Tuy nhiên, không dừng lại ở đây, startup có thêm một sự đồng hành chiến lược nữa khi Shark Hưng đưa ra đề nghị mời Shark Liên cùng hợp tác để giúp DN phát triển hơn trong tương lai.
Cẩm Linh

>> xem thêm

Bình luận(0)