Hàng loạt chung cư vi phạm về phòng cháy chữa cháy bị "bêu tên"
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đối với nhà cao tầng trên địa bàn thành phố.
Theo UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn còn nhiều tồn tại, vi phạm phòng cháy chữa cháy phổ biến như việc đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Có thể kể đến như: Chung cư CT1 Usilk City tại La Khê (Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư; tòa nhà SME Hoàng Gia tại phường Quang Trung (Hà Đông) do Công ty CP tập đoàn BĐS Hoàng Gia làm chủ đầu tư; tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân tại Phường Mộ Lao (Hà Đông) do Công ty CP xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư; chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông (Mỹ Sơn Tower), số 62 Nguyễn Huy Tưởng phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) do Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn làm chủ đầu tư...
Đáng lưu ý là tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân tại Phường Mộ Lao (Hà Đông) do Công ty CP xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.
|
Dân chung cư SME Hoàng Gia căng băng rôn “tố” chủ đầu tư vì không nghiệm thu PCCC hồi tháng 6/2018. |
Ngoài ra, còn có các vi phạm như việc không đảm bảo giao thông phục vụ chữa cháy; không đủ số lượng lối ra thoát nạn và không duy trì được các điều kiện an toàn về PCCC của lối ra thoát nạn; chưa trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện PCCC, không thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ...
UBND TP Hà Nội giao Công an thành phố xây dựng, trình UBND thành phố ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn, trong đó có công trình cao tầng, chung cư cao tầng đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.
Phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các khiếu nại, tố cáo về PCCC&CNCH tại các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn. Làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình chung cư, nhà cao tầng theo quy định. Xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về PCCC, chây ỳ không khắc phục các tồn tại, vi phạm vi phạm về PCCC theo quy định…
Chủ đầu tư chây ì khắc phục PCCC có thể bị phạt tù
Về vấn đề trên, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhấn mạnh, PCCC là vấn đề rất quan trọng trong đời sống hiện nay. Bởi lẽ khi cuộc sống phát triển thì các nguy cơ về cháy nổ ngày một nhiều, thiệt hại kéo theo rất lớn, nhất là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người và tài sản khi có cháy xảy ra.
Pháp luật đã quy định rất rõ, trước khi đưa cư dân và ở các công trình cần phải nghiệm thu về PCCC. Nếu các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC mà đã đưa và sử dụng, bàn giao cho cư dân vào ở là hành vi phạm pháp luật.
Tại Điều 36 nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định rõ vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công, xây dựng công trình.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thiết kế hệ thống phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc diện phải có thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào sử dụng không đảm bảo một trong các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: a) Thi công, lắp đặt không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt; b) Không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: a) Tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy; b) Chế tạo mới hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khắc phục các điều kiện để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều này;
b) Buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.
Đối với hành vi vi phạm của tổ chức thì mức phạt sẽ là gấp 2 lần mức nêu trên.
|
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa. |
Trường hợp, người đại diện theo pháp luật, lãnh đạo của các doanh nghiệp tiếp tục có hành vi vi phạm, chây ì trong việc khắc phục bảo đảm an toàn PCCC có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định sau:
Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy:
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Do đó, mức phạt có thể lên tới 12 năm tù.